Hoạt động của HTX Duy Tiến đã tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động. Việc tập trung chế biến phân từ rác thải hữu cơ đã tạo ra lượng phân hữu cơ phục vụ nền nông nghiệp sạch đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Giải quyết những vấn đề môi trường
Tại Thanh Lãng, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp là thách thức không nhỏ đối với chính quyền và người dân.
Là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng”, những năm qua, HTX Duy Tiến không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn để vượt qua những khó khăn, mang lại diện mạo mới cho xã Thanh Lãng.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Nếu toàn bộ lượng rác thải bị chôn lấp sẽ làm phần lớn rác hữu cơ phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời bốc mùi hôi thối quanh khu vực chôn lấp gây ô nhiễm không khí. Tận dụng được nguồn rác hữu cơ trên để xử lý thành phân hữu cơ sẽ giải quyết được những khó khăn về môi trường.
Trung bình mỗi ngày, HTX thu gom và vận chuyển 12 tấn rác trên địa bàn xã Thanh Lãng, trong đó 60 - 70% là rác hữu cơ.
Rác thải sinh hoạt và rác nông nghiệp thu gom về được phân loại các chất hữu cơ và vô cơ. Các thành phần hữu cơ đã phân loại được đưa vào các hố ủ bằng bê tông, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15cm, nước phun vừa đủ ẩm rồi đậy bạt nhựa kín hố ủ.
Sau 30 ngày, rác thải đã ủ chín và được đưa vào phân loại lần hai để loại bỏ nilon, các chất vô cơ còn sót lại và tiếp tục được nghiền mịn. Cuối cùng, HTX bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với phụ gia tạo ra phân hữu cơ thành phẩm để sử dụng trong sản xuất…
Theo ông Nguyễn Duy Tá - Giám đốc HTX, sản phẩm phân hữu cơ từ rác giúp cải tạo đất rất hiệu quả, ổn định kết cấu đất, chống xói mòn và chống hạn cho cây trồng.
Đến nay, HTX đang quản lý và vận hành một nhà máy xử lý rác thải với công suất 30 tấn/ năm; 1 máy nghiền rác sau khi ủ theo công nghệ sản xuất phân vi sinh. Những mẻ phân hữu cơ đã được cung cấp cho thị trường phục vụ sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cho HTX.
Cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của HTX |
Cần nhân rộng
Việc sử dụng chế phẩm xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ sinh học bón cho cây trồng vừa giải quyết được vấn đề thiếu phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế thải gây ra, đồng thời tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cân bằng sinh thái, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững.
Theo Giám đốc Nguyễn Duy Tá, phương pháp này còn giúp giảm một phần phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác của nông dân, tạo thói quen cho người dân phân loại rác thải, tận dụng rác hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Hiện HTX tiến hành ký hợp đồng với các địa phương lân cận thu gom rác thải nhằm tăng thu nhập cho các thành viên đồng thời đầu tư, mở xưởng sản xuất đồ nhựa tái chế từ việc tận dụng túi ni lông, nhựa, bao chứa rác thải…
Để giải quyết những khó khăn về vấn đề đầu ra, HTX đã tích cực làm việc với các đoàn thể, tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò của phân hữu cơ. Chính vì vậy, dù nhiều lúc gặp khó khăn và phải dừng hoạt động nhưng đến nay, mô hình sản xuất phân hữu cơ của HTX vẫn tiếp tục duy trì và phát triển.
Diện mạo nông thôn của xã Thanh Lãng ngày càng sạch đẹp, ý thức người dân trong phân loại, thu gom rác thải đã được nâng cao. Đời sống người dân vì vậy cũng được bảo đảm.
Nhờ hoạt động hiệu quả mà HTX đã cân đối được thu chi. Các thành viên cũng được trang bị bảo hộ và đóng bảo hiểm đầy đủ. Mô hình của HTX Duy Tiến cần được nhân rộng để các địa phương khác áp dụng, góp phần cải thiện môi trường nông thôn.
Như Yến