Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Đồng Uyên đang là điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp của huyện Can Lộc, vì vừa nâng cao được giá trị kinh tế, vừa giải quyết những khó khăn về môi trường.
Sản xuất trong... nhà
Sau nhiều năm gắn bó với cây cam, đến đầu năm 2019, HTX Đồng Uyên mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng làm nhà màng trên diện tích 2.500m2 ở cánh đồng Đồng Cộ phục vụ trồng dưa lưới. Để tiện cho sản xuất, HTX chia làm 4 khu nhà màng khép kín. Nhà lưới được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, cùng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, bể chứa nước, khu xử lý nước trước khi đưa vào hệ thống tưới. Giữa mỗi luống dưa là những tấm bạt lót sàn màu trắng, phản chiếu ánh sáng đến mặt dưới của lá giúp cây tăng thêm quang hợp.
Hệ thống tưới nước còn tích hợp công đoạn bón phân. Phân được hòa sẵn trong nước và đi đến từng gốc đây với liều lượng quy định sẵn. Việc này giúp giảm chi phí nhân công và quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp chất dinh dưỡng và lượng nước đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của dưa.
Trồng dưa lưới chỉ tốn nhân công ở thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất ban đầu, còn lại cứ một nhà màng chỉ cần một nhân công chăm sóc, quản lý, vì toàn hệ thống sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao thông qua điện thoại thông minh.
Trồng dưa lưới trong nhà màng là giải pháp thông minh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. |
Theo Ban giám đốc HTX, bắt tay vào sản xuất theo quy trình hiện đại, người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật ở tất cả khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Đặc biệt, thành viên không dùng bất kỳ thuốc kích thích hay phân hóa học mà thay vào đó là các loại phân hữu cơ đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Dưa lưới trồng trong nhà kính che chắn được bụi và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại nên rất sạch, đẹp, chất lượng tốt.
“Khi dưa tạo quả và đạt đến độ lớn nhất định, các thành viên sẽ tỉ mẩn sử dụng đôi bàn tay của mình xoa tròn trên từng quả dưa để kích thích quá trình tạo lưới lên dưa được đều. Nhờ sự hỗ trợ này, các mắt lưới trên vỏ dưa sẽ đậm nét, qua đó độ ngọt trên từng quả dưa cũng đậm đà hơn”, ông Võ Thúc Đồng, Giám đốc HTX chia sẻ.
Áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, sau gần 70 ngày, lứa dưa đầu tiên đã cho sản lượng hơn 6 tấn. Với giá bán 38 - 40 nghìn đồng/kg, HTX thu gần 400 triệu đồng. Sản phẩm dưa lưới của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch khoảng 4 lứa dưa lưới. Để hạn chế sâu bệnh và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, HTX xen kẽ trồng thêm một số loại cây như dưa leo, cà chua… Đồng thời đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP, từ đó xây dựng thương hiệu dưa Đồng Uyên để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của HTX Đồng Uyên đang mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân ở các địa phương.
Can Lộc vốn là địa phương có khí hậu khắc nghiệt và thường bị ảnh hưởng bởi mưa bão, gió Lào - là điều kiện để sâu bệnh, cỏ dại phát triển và phá hoại cây trồng. Nếu sản xuất theo phương thức truyền thống, người dân sẽ ưu tiên sử dụng các giải pháp nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, công sức như thuốc bảo vệ hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng. Nhưng đây cũng là nguyên nhân gây ra những hậu quả không nhỏ khi làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe con người và môi trường.
Dưa lưới được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt trước khi xuất ra thị trường. |
Tuy nhiên, sự thay đổi của HTX Đồng Uyên đã tạo bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân làm quen với quy trình hiện đại, thân thiện môi trường. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Ban giám đốc HTX, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chắc chắn việc sản xuất sẽ phải tuân thủ những quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà xuất khẩu, thậm chí ngay cả ở thị trường nội địa. Chính vì vậy, những người đứng đầu xác định mục tiêu phải đưa HTX trở thành một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện đại bậc nhất huyện Can Lộc, đồng thời mở rộng vùng liên kết sản xuất với nông dân địa phương để có thể tham gia chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
Tùng Lâm