Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo Phạm Thu Hằng cho biết, Chiến lược BVMT biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu ngăn ngừa, kiểm soát, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Trong đó nhấn mạnh, xã hội hóa công tác BVMT biển, huy động sức mạnh toàn dân trong BVMT biển, đặc biệt là mô hình HTX thể hiện vai trò quan trọng trong công tác BVMT biển.
Phát huy vai trò KTTT, HTX
HTX Dịch vụ du lịch Vạn chài Hạ Long được đánh giá là một “điểm sáng” trong công tác BVMT biển của tỉnh Quảng Ninh, với những kết quả đáng ghi nhận về giảm thiểu rác thải trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh phát triển các HTX gắn với BVMT biển, giữ gìn sự đa dạng sinh học trước sự suy thoái của môi trường hiện nay. |
Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Vạn chài Hạ Long cho biết, HTX được thành lập từ năm 2008, tập hợp 92 hộ thành viên đều là những gia đình sống tại làng chài Vung Viêng.
Trước đây, người dân làng chài vẫn nuôi trồng thủy sản theo hình thức truyền thống như sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi thương phẩm, dẫn đến ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng phao xốp làm bè nuôi cá nổi trên mặt nước, sau 2-3 năm, phao xốp vỡ ra thành từng mảnh nhỏ khiến môi trường vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
HTX đã thay hộp phao xốp hình hộp chữ nhật, được phủ sơn màu xanh nhạt và bọc bên ngoài bằng lớp bao lưới phủ sơn Line-X rất bền, như được đúc bằng kim loại, lại giữ được độ nhẹ của xốp và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Hay như tại HTX dịch vụ thu gom rác thải và vệ sinh tàu biển Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi. Thông qua cảng vụ, HTX biết được có bao nhiêu tàu cá về neo đậu xung quanh cảng, Ban giám đốc HTX sẽ ký hợp đồng với các tàu neo đậu tại đây để làm dịch vụ thu gom rác thải và vệ sinh tàu.
Theo đó, các thành viên và lao động của HTX chia nhau thành các nhóm leo lên các tàu thu gom các loại rác thải sinh hoạt của thuỷ thủ và các loại nhớt xả, dầu bẩn... Khi có yêu cầu, HTX còn làm thêm dịch vụ cạo, chống gỉ vỏ tàu và sơn lại tàu.
Đại diện HTX cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi chỉ nghỉ có 4 ngày Chủ nhật. Trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 4 - 5,5 triệu đồng/tháng, cổ đông HTX thì được từ 5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Dù thu nhập không cao, nhưng ổn định, ít nguy hiểm mà lại khoẻ hơn so với đi biển”.
Có thể nói, HTX Dịch vụ thu gom rác thải và vệ sinh tàu biển Dung Quất không chỉ là điển hình trong tạo việc làm và thu nhập cho thành viên mà còn mang lại hiệu quả cao trong việc làm sạch môi trường trên biển. Bởi lẽ, môi trường biển sạch là nền tảng tạo nên nguồn thủy sản an toàn và dồi dào, để phát triển nền kinh tế biển, du lịch biển bền vững, đồng thời là động lực để cải thiện sinh kế và giúp cho đời sống ngư dân ngày càng no ấm.
Nâng cao nhận thức về BVMT biển
Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo cho biết, công tác bảo vệ môi trường biển hiện vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển của một bộ phận người dân còn hạn chế.
Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài. Cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất.
Xã hội hóa công tác BVMT biển, huy động sức mạnh toàn dân trong BVMT biển. |
“Do đó, xác định xã hội hóa là một trong những biện pháp tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác BVMT biển, từ đó tập trung xây dựng các mô hình HTX, huy động và phát huy được tối đa sức mạnh tập thể, gắn kết được số đông người dân. Với mục tiêu vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng, HTX BVMT biển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế biển, phát triển văn hoá, xã hội mà còn có đóng góp quan trọng trong hoạt động cộng đồng thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ thiên tai”, bà Phạm Thu Hằng nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Quân, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho rằng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo là trách nhiệm chung của xã hội, động viên, khuyến khích phát triển những phong trào, các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngoài ra, có chương trình, kế hoạch cụ thể đối với việc trồng, bảo vệ, phát triển cây xanh, hệ sinh thái. Thực hiện tốt chính sách đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường thông qua hoạt động trồng cây, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ven biển, đất ngập nước…
Rõ ràng, công tác BVMT biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm về BVMT biển còn hạn chế. Tư duy phát triển xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn lợi ích và hệ quả lâu dài, cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất.
Do đó, để công tác BVMT nói chung và môi trường biển nói riêng đạt được hiệu quả, đi vào chiều sâu thì trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan và quan trọng hơn là cần có sự chung tay của người dân, HTX vì một môi trường biển sạch và an toàn để phát huy những tiềm lực vốn có.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoàn thiện và phát huy hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhà nước về biển, đảo từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, cần đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia khoa học, cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao về BVMT biển.
Đoàn Huyền