Mô hình CSA được hỗ trợ từ dự án cải thiện nông nghiệp có tưới - WB7, dưới sự dẫn dắt của HTX Nông nghiệp Đại Minh, triển khai tại hai thôn Phú Mỹ và Phước Bình giai đoạn 2016 - 2018, đang có tác động tích cực đến sản xuất, thay đổi tư duy canh tác của người nông dân trên địa bàn.
Đẩy mạnh kỹ thuật
Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, mô hình CSA cánh đồng mẫu lớn 50 ha tại thôn Phú Mỹ, với 225 hộ tham gia sản xuất giống lúa chất lượng HT1 có thời gian sinh trưởng 110 ngày. Tại thôn Phước Bình, mô hình triển khai trên 30 ha cây màu, với 195 hộ tham gia.
Ông Ngô Văn Phi - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đại Minh, cho biết: “Tham gia vào mô hình, thành viên HTX và người dân trên địa bàn xã được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư, đồng thời, được chuyển giao kỹ thuật canh tác an toàn, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ)”.
HTX tổ chức đội kỹ thuật trực tiếp tập huấn cách bón phân, kỹ thuật tưới ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây và thời tiết; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong một số khâu như làm đất, lên luống, gieo hạt, vận chuyển, giúp người nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giải phóng sức lao động, nâng cao ATLĐ.
Trong đoạn 2016 - 2018, dự án WB7 đã hỗ trợ HTX mua 24 công cụ sạ hàng hỗ trợ đến người dân, cung ứng 225 ống đo mực nước trên đồng ruộng. Vụ Đông Xuân 2017 - 2018, dự án hỗ trợ một máy đào, một máy thu hoạch đậu phụng, một máy xới đất giao cho HTX quản lý.
Mô hình CSA đang thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân xã Đại Minh |
Hoàn thiện sản xuất
“Qua hai năm triển khai, dự án đã tạo điều kiện để người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân sử dụng thuần thục dụng cụ gieo hạt nhằm tiết kiệm giống, nhân công, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm các quy định về ATLĐ, bảo vệ môi trường”, Giám đốc Ngô Văn Phi nhấn mạnh.
Tham gia mô hình CSA với hơn 7 sào ớt, bà Hứa Thị Xuân - thành viên liên kết của HTX, chia sẻ: Sự hỗ trợ của dự án WB7 không chỉ giúp người sản xuất tiết kiệm hàng chục triệu chi phí dịch vụ đầu vào, mà còn trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, từ cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đến công tác thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ.
“Dự án đã góp phần cải tạo, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn đẹp và bằng phẳng. Vùng này trước mạnh ai nấy làm nên có tình trạng sản xuất lạc hậu, manh mún chứ không đẹp như hiện nay. Nếu tiếp tục được hưởng lợi từ dự án, đặc biệt trong khâu tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm, chúng tôi mừng lắm”, bà Xuân phấn khởi nói.
Thực tế cho thấy, kể từ năm 2016 đến nay, người dân Phước Bình được hưởng lợi tích cực từ mô hình CSA. Không chỉ về kỹ thuật, máy móc và tư liệu sản xuất, dự án còn hỗ trợ vốn sản xuất, phân bón, giống cây trồng chất lượng cao và nâng cao ý thức về sản xuất an toàn cho người dân, bảo đảm ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Ông Lê Đức Mười - Trưởng thôn Phước Bình, đánh giá: “Mô hình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, có đóng góp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội đồng tại địa phương”.
Hưng Nguyên