Giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đi lên từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ. Do đó, HTX nông nghiệp là một trong những thành tố không chỉ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, mà cả cho giai đoạn tới. "Nếu như chúng ta không có HTX nông nghiệp để cùng với các doanh nghiệp làm hạt nhân thì chỉ mình hộ nông nghiệp đứng riêng lẻ, chúng ta không thể hội nhập vào thị trường toàn cầu", ông Cường khẳng định.
Dự kiến tới năm 2020 sẽ có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả (Ảnh: Internet) |
Từ năm 2012 khi Luật HTX mới được thông qua đến nay, tốc độ phát triển HTX khá nhanh. "Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2017, khi chúng ta tổng kết 5 năm thực hiện Luật HTX , trực tiếp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo ở các vùng thì các HTX đã phát triển rất nhanh", ông Cường nhấn mạnh.
Đến nay có 13.200 HTX nông nghiệp, trong đó có nhiều HTX đã hội tụ được rất đông thành viên như tỉnh Sóc Trăng có một HTX có tới 1.200 thành viên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, so với yêu cầu đặt ra, số lượng HTX vẫn còn rất ít. "Trong số 13.200 HTX có khoảng 1/3 là HTX kiểu cũ chuyển sang và cần củng cố. Ngoài ra, so với 7,6 triệu hộ nông dân hiện nay, yêu cầu về phát triển HTX rất lớn", ông Cường nói.
Bộ trưởng cho biết, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp tăng gấp 3 lần, đây là hạt nhân liên kết, động lực lập HTX.
Thực tế, thời gian qua, nhiều nhà máy chế biến rau quả đã ra đời, với công suất chế biến lên đến hàng trăm nghìn tấn/năm đã có liên kết với các HTX nông nghiệp hiệu quả.
Đưa ra giải pháp phát triển HTX nông nghiệp, ông Cường cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện quyết định của Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết Quốc hội đến năm 2020 hình thành 15.000 HTX hoạt động có hiệu quả.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu có 1.200 HTX có chất lượng để cùng hơn 9.000 doanh nghiệp hình thành chuỗi, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Hà