Trồng rau thủy canh giúp hạn chế được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp |
Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng đã trở thành chất xúc tác để HTX Đa Tốn tích cực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sạch. Mô hình rau sạch thủy canh của HTX là một minh chứng cụ thể cho việc xây dựng hướng đi bền vững từ mô hình này.
Đánh trúng tâm lý người tiêu dùng
Sản xuất trên vùng đất ven đô, quy trình sản xuất rau sạch của HTX khiến không ít người ngạc nhiên khi lần đầu đến tham quan, tìm hiểu. Giữa bạt ngàn đất đai của xã Đa Tốn là vườn rau xanh tốt, mát mắt do HTX dày công vun trồng.
Được triển khai thực hiện từ năm 2015 với tổng diện tích 1,5ha, số vốn đầu tư lên tới 10 tỷ đồng. Đến nay, nông trại rau sạch của HTX trở thành đầu mối cung ứng rau sạch cho một số cửa hàng nông sản sạch và siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội.
“Để tạo ra sản phẩm sạch thực sự, chúng tôi đã chọn công nghệ trồng thủy canh hồi lưu, thủy canh trong giá thể, khí canh. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi trồng rau trong các ống nhựa (có đục lỗ), được nối thành một hệ thống giàn, chia thành nhiều tầng, bên trong các ống nhựa có chứa dịch thủy canh”, ông Lê Thanh Phương, Giám đốc HTX cho biết.
Trên cùng một diện tích nhưng do trồng theo tầng nên HTX trồng được nhiều rau hơn so với thổ canh, từ đó cho năng suất cao hơn. Hiện tại, tổng diện tích sản xuất rau thủy canh của HTX cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm.
Trồng trong nhà lưới, cây trồng không bị ảnh hưởng về thời tiết thay đổi bất thường, đồng thời kiểm soát được dịch bệnh. Các loài côn trùng cũng không xâm nhập vào được, nên HTX không cần đến thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, dung dịch thủy canh với thành phần phù hợp được pha với nước, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu. Phương pháp này tạo ra những sản phẩm rau sạch đúng nghĩa, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng nên nhanh chóng được doanh nghiệp và người tiêu dùng đón nhận. Hiện, diện tích rau của HTX đã có đầu ra ổn định với giá cao hơn những những loại trồng thông thường 1.000-3.000 đồng/kg.
Hiệu quả tích cực
Việc sản xuất rau thủy canh khác với việc trồng rau theo phương pháp truyền thống, phải đáp ứng theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt để sản phẩm làm ra mới được sạch. Vì vậy, ngoài đầu tư công nghệ, kỹ thuật, HTX đã triển khai áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm để khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, việc thu hoạch và bảo quản rau cũng luôn được HTX tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, quy định nhằm đảm bảo chất lượng thành phẩm vì mỗi loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh sẽ có cách thu hoạch khác nhau.
Đặc biệt sản xuất rau thủy canh giúp hạn chế được một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp (sản phẩm bị hư thối, dập nát). Nhờ vậy, mô hình của HTX giúp nâng cao năng suất trung bình của cây rau và giảm tối đa ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Có thể nói, mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Đa Tốn đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc cung ứng nông sản sạch cho thị trường trong và ngoài thành phố, góp phần quan trọng trong việc hình thành nền nông nghiệp hàng hóa của Hà Nội.
“Lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông sản sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đáng tiếc không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đặc biệt môi trường sẽ ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng khiến con đường sản xuất ngày càng khó khăn”, Giám đốc HTX Lê Thanh Phương nhận định.
Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VSATTP đang là hướng đi ưu tiên và mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Phương hướng sắp tới của HTX sẽ mở rộng thêm diện tích nhà lưới khép kín để đảm bảo cung ứng sản phẩm cho thị trường. HTX đang kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ để đảm bảo cả đầu vào và đầu ra trong sản xuất.
Như Yến