Hầu hết các HTX đã chủ động sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và triển khai một số giải pháp giảm phát thải như: Tiết kiệm điện năng và sử dụng nhiên liệu sinh khối tải nhiệt, sử dụng biến tần cho dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa thiết bị máy móc, tăng cường quản lý năng lượng, thu hồi CO2 từ khói thải, xây dựng hệ thống quản lý khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng môi trường xanh, môi trường sinh thái, phát triển rừng bền vững.
Phát triển rừng để hấp thụ khí nhà kính
HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ rừng, trồng và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu vực KTTT, HTX đang tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Là đơn vị hoạt động theo chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, trên nguyên tắc quản lý bền vững có chứng chỉ rừng (FSC), HTX đã trồng được 804ha rừng, trong đó 540ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX xây dựng vườn ươm cây giống keo thân thiện môi trường với túi bầu hữu cơ tự hủy, quy mô khoảng 1 triệu cây/năm. HTX cũng đã đầu tư dây chuyền thiết bị bóc ván để bao tiêu sản phẩm gỗ của thành viên với kinh phí 1,2 tỷ đồng.
Nhằm phát triển rừng bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC. Theo đó, các thành viên đẩy mạnh công tác tỉa thưa chuyển đổi từ rừng trồng gỗ dăm sang gỗ lớn và cam kết rừng trồng ít nhất 7 năm tuổi mới khai thác.
Chủ tịch HĐQT Hồ Đa Thê cho biết, HTX không chỉ đẩy mạnh cơ giới hóa mà còn được hỗ trợ để nâng cao hàm lượng khoa học – kỹ thuật, ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo, từ đó giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tăng lượng hấp thụ khí CO2 trên diện tích đất nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cao Kỳ (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, việc giao quyền quản lý, phát triển rừng cho HTX đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Việc tạo ra giá trị cao giúp người bảo vệ rừng “sống khỏe”, sẽ làm giảm thiểu tình trạng chặt phá, khai thác bừa bãi vì đói nghèo, nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, tố cáo lâm tặc.
“Việc hỗ trợ, nâng cao vai trò của HTX trong bảo vệ, phát triển rừng rất quan trọng để chống biến đổi khí hậu. Cứ lấy ví dụ như tại HTX Cao Kỳ, nếu 200 thành viên, mỗi thành viên có 5 ha rừng, cả nước đã có thêm hàng nghìn ha rừng, giá trị kinh tế và sinh thái là rất lớn”, ông Thường nhấn mạnh.
Hành động vì biến đổi khí hậu
Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, về thích ứng với biến đổi khí hậu và BVMT, trong những năm qua, số lượng HTX đã phát triển mạnh, cả về quy mô và loại hình, nhiều HTX BVMT đã được thành lập, không ít mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường đã thành công. Các HTX góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình canh tác lúa 1P6G giảm phát thải khí nhà kính. |
Hầu hết các HTX ngày càng tích cực và chủ động hơn trong việc chung tay hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường như: phơi sấy bằng hiệu ứng nhà kính, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững…
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX cũng đã phát huy tốt trách nhiệm xã hội, tích cực đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tổ chức dịch vụ vệ sinh môi trường, tham gia trồng cây xanh, nâng cao nhận thức trách nhiệm và hành động của thành viên, người lao động HTX trong việc chung tay BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đánh giá, thông qua mô hình HTX, phong trào quần chúng tham gia chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính được đẩy mạnh, công tác xã hội hóa BVMT được hình thành ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều điển hình tiên tiến trong công tác BVMT, chống biến đổi khí hậu.
Việc phát triển các mô hình HTX kiểu mới, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH cả về số lượng thành viên và quy mô hoạt động đã phát huy các giá trị bền vững.
“Bộ TN&MT đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX xử lý chất thải, áp dụng canh tác tự nhiên tiết kiệm, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời…”, ông Cương chia sẻ.
Để giảm thiểu những nguy cơ, tác động tiêu cực đến môi trường, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Có chính sách hỗ trợ các HTX sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện có, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Đồng thởi, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao diện tích, chất lượng rừng làm tăng khả năng hấp thụ các khí nhà kính; quản lý chất thải, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chất thải trong chăn nuôi, đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa.
Thực thi các chính sách thích ứng biến đổi khí hậu theo các loại hình HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường… Nâng cao năng lực quản trị HTX về quản lý các loại tài nguyên: nước, khoáng sản, đất ngập nước, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái rừng, giảm thiểu thiệt hại của bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xen ghép vào hoạt động của HTX.
Minh Thành