Cùng với các dịch vụ chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp (5 dịch vụ bắt buộc hỗ trợ thành viên không thu phí, 5 dịch vụ có lãi), HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng còn mở thêm nhiều ngành nghề, mang lại cuộc sống ấm no cho các thành viên, người lao động.
Nhiều loại hình dịch vụ hiệu quả
Một trong những loại hình dịch vụ hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên sản xuất là dịch vụ phân bón. HTX đứng ra hợp tác với những công ty phân bón có uy tín, cung cấp phân bón cho các thành viên vào mỗi mùa vụ, sau khi thu hoạch xong thành viên mới phải trả tiền. Với dịch vụ này, mỗi năm HTX thu được khoảng 2 tỷ đồng.
HTX thường xuyên đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hộ sản xuất những cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, như: nuôi lợn giống ngoại, cá chất lượng cao, rau quả an toàn… Đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương, trang bị thêm máy móc cho cơ giới hóa đồng ruộng, qua đó nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ cho các hộ thành viên phát triển sản xuất.
Cánh rừng xanh bạt ngàn của HTXở thượng nguồn Khe Khế
Hiện HTX có 537 xã viên, tổng nguồn vốn lưu động trên 8,5 tỷ đồng. Vừa có dịch vụ hỗ trợ các thành viên về con giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất, HTX vừa làm tốt dịch vụ tín dụng nội bộ. Các thành viên có nhu cầu được vay vốn của HTX với lãi suất hợp lý. Bình quân mỗi năm, HTX cho 30 hộ vay vốn với thủ tục đơn giản, trong đó có những hộ được vay tới 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, HTX còn phát huy lợi thế của địa phương vào việc trồng rừng. Trong số gần 280 ha rừng của HTX, có 116 ha rừng tràm trồng theo tiêu chuẩn FSC đang chuẩn bị khai thác, lợi nhuận cao hơn 20% so với rừng kinh tế thông thường.
Trồng rừng giúp bảo vệ môi trường
Nói về hiệu quả trồng rừng theo chứng chỉ FSC, ông Nguyễn Thể - Giám đốc HTX, cho biết để có được cánh rừng xanh bạt ngàn như ở vùng thượng nguồn Khe Khế, lãnh đạo HTX đã không quản công lao, ra sức vận động các thành viên thay đổi từ nhận thức đến quy trình, phương thức trồng thâm canh.
Ban đầu, HTX tiến hành chuyển đổi thử nghiệm 11ha rừng gỗ dăm sang gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, đưa trữ lượng rừng đạt chứng chỉ khai thác năm 2014 trên 800 tấn, với giá bán 1,45 triệu đồng, cao hơn so với giá bán gỗ dăm 1 triệu đồng/tấn. Nhờ trồng rừng theo chứng chỉ FSC mà gỗ của HTX đã được bán ra nước ngoài và mở hướng đột phá trên con đường phát triển của HTX.
Trong hơn 8 tỷ đồng doanh thu của HTX, nguồn thu từ trồng rừng đã đạt trên 5,5 tỷ đồng. Chỉ riêng dịch vụ trồng cây lâm nghiệp đã tạo việc làm cho trên 50 lao động địa phương, trong đó có 30 người chuyên khai thác nhựa thông, thu nhập bình quân 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng; đội chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng với 20 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, doanh thu từ rừng trong năm 2017 và những năm tới sẽ tiếp tục tăng, vì diện tích rừng trồng FSC tiếp tục được mở rộng.
Lợi ích lớn từ việc trồng rừng là không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho HTX, mà còn góp phần không nhỏ cho việc BVMT sinh thái, chống BĐKH ở địa bàn xã Hải Phú. Từ khi chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, HTX đã giảm thiểu được số lần khai thác trên một chu kỳ, việc trồng rừng đã giảm xói mòn, rửa trôi đất.
Một ví dụ điển hình cho lợi ích từ trồng rừng đem lại, là những năm trước, hàng chục ha đất trồng lúa của HTX thuộc địa phận tưới của hồ Khe Khế luôn trong tình trạng “khát nước” sản xuất vụ Hè Thu, do cứ vào khoảng giữa tháng 7 hàng năm, mực nước của hồ luôn ở mức cạn kiệt.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, những cánh rừng xanh bao bọc lấy hồ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc giữ nước. Nhờ vậy, vụ Hè Thu năm 2015 và 2016, trong khi nhiều nơi thiếu nước tưới do hạn hán, thì nguồn nước ở hồ Khe Khế dồi dào, đáp ứng được nhu cầu nước tưới cho đồng ruộng.
Thu Hường