Ông Võ Văn Phải - Giám đốc HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho biết trước đây, cũng như nhiều nông dân trồng mãng cầu xiêm khác, ông canh tác theo thói quen như tưới phổ rộng đại trà từ ngọn cây xuống, phun thuốc diệt cỏ để diệt cỏ dại mọc trong vườn cây mãng cầu, sử dụng phân hóa học để cho quả to...
Quan tâm bảo vệ môi trường
Từ khi xây dựng mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012, không chỉ ông Phải, mà 91 thành viên của HTX đều nhận thấy việc áp dụng các phương pháp canh tác trên không nâng cao được chất lượng nông sản mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên nước - vốn không phải là vô tận và gây thoái hóa đất.
“Phương pháp tưới phổ rộng, hay còn gọi là tưới quây từ trên cao xuống (khoảng 3 m) còn có thể rửa trôi thuốc BVTV, phân bón khiến hiệu quả cây trồng không như mong muốn”, ông Phải cho biết.
Khi được tập huấn qua các buổi hội thảo về cây ăn quả, các thành viên HTX Hòa Mỹ đã nhận ra rằng cây mãng cầu chỉ cần tưới phổ rộng lúc cây “làm trái”, phần lớn thời gian còn lại chỉ cần tưới nước tập trung vào gốc cây. Do đó thời gian qua, các thành viên HTX đã bắt đầu áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt cho gốc cây mãng cầu xiêm.
Các thành viên đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho gốc mãng cầu xiêm song song với hệ thống tưới quây trong vườn cây. Khi sử dụng hệ thống tưới gốc, nhiều người trồng mãng cầu xiêm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và cả cơ quan nhà nước đến khảo sát tận nơi đều khẳng định sự tiện lợi và hiệu quả của hệ thống này.
Nếu tưới quây một ha mãng cầu xiêm phải mất cả ngày và cứ khoảng một giờ, HTX phải đổi vùng tưới một lần. Còn đối với hệ thống tưới gốc, các thành viên HTX chỉ mất khoảng 1,5 giờ.
Trước đó, không ít thành viên HTX vẫn còn e ngại, chưa áp dụng phương pháp tưới gốc vì chi phí cao. Một ha mãng cầu thành viên HTX phải đầu tư hệ thống tưới quây tốn khoảng 25 triệu đồng, khi đầu tư thêm hệ thống tưới gốc thì chi phí lên gần gấp đôi.
Mãng cầu xiêm của HTX đã được bao tiêu |
Tiếp tục đầu tư
Với sự tiên phong, Ban giám đốc HTX đã chứng minh, sau một thời gian tưới gốc, người trồng sẽ “lấy lại vốn” do tiết kiệm điện, chi phí mướn nhân công so với tưới quây.
Nhờ áp dụng những biện pháp mới vào canh tác và chú trọng BVMT, diện tích mãng cầu xiêm của HTX cho thu hoạch với năng suất 3 - 3,2 tấn/ công, giá bán bình quân 15.000 đồng/kg.
Như vậy, mỗi công mãng cầu xiêm, HTX thu về 45 - 50 triệu đồng/vụ/ công, trừ chi phí còn lời 20 - 30 triệu đồng/vụ/ công. Mức thu này so với trồng mía, trồng lúa trước đây cao gấp 5 - 7 lần mà chi phí đầu tư, nhân công lao động lại thấp hơn.
Không chỉ tiêu thụ mãng cầu xiêm tươi ở nhiều địa phương như: Huyện Vị Thanh, Tp.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, Tp.HCM, tỉnh Bình Dương, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu mãng cầu xiêm với công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh (huyện Phụng Hiệp) với sản lượng 250 tấn trái/vụ. Khi ký hợp đồng với công ty, HTX bán mãng cầu xiêm loại 1 với giá 15.000 đồng/kg; loại 2 là 9.000 đồng/kg.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp canh tác như tưới gốc, bao trái…, các thành viên HTX Hòa Mỹ còn đang ấp ủ đưa công nghệ tưới hiện đại vào sản xuất. Ông Phải cho biết hiện nay, có một số doanh nghiệp đến ngỏ ý hướng dẫn, hỗ trợ phần mềm tưới cây trên hệ thống điện thoại thông minh.
Trong đó chỉ cần diện tích cây trồng có sóng 3G, 4G là các thành viên có thể áp dụng công nghệ này. Hệ thống này giúp người trồng điều khiển tưới nước cho vườn cây trên điện thoại thông minh dù đang ở rất xa. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt hệ thống trên khá cao nên HTX cần có thời gian chuẩn bị.
Như Yến