Đà Nẵng hiện là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các cơ sở giết mổ theo hướng hiện đại thông qua những chính sách quyết liệt và mạnh mẽ để đưa những cơ sở giết mổ vào hoạt động hiệu quả.
Giải quyết khó khăn
Nhiều năm trước, việc quản lý các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm thủ công trong khu dân cư luôn là vấn đề nan giải đối với các cấp chính quyền Tp.Đà Nẵng. Thành phố này từng có hơn 400 lò giết mổ tự phát và hàng trăm hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), cuộc sống của người dân vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng trên, chính quyền Tp.Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 15 ngày 9/4/2012 về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn để khắc phục tình trạng này.
Theo Quyết định 15, tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn phải bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định. Trong đó, mọi phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật phải thực hiện bằng xe chuyên dụng, nếu vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ thì sản phẩm phải được đựng trong thùng chứa. Đây tưởng chừng như là một thách thức cho ngành chức năng, nhưng đến nay, cảnh các chủ xe máy chở thịt heo bằng cách vắt ngang, vắt dọc xe đã được dẹp bỏ. Thay vào đó, công việc vận chuyển sản phẩm động vật đã được thực hiện bằng những chiếc xe chuyên dùng sạch sẽ, kín đáo.
Liên quan đến chăn nuôi tập trung, Tp.Đà Nẵng cũng đã ban hành Chỉ thị 12 về việc nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi, giết mổ và mua bán gia súc sống trong khu dân cư; đồng thời yêu cầu các tổ chức, HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục chăn nuôi, sẽ được bố trí về những khu chăn nuôi tập trung đã được thành phố quy hoạch tại những địa điểm cụ thể. Những hộ không có nhu cầu chăn nuôi thì Tp.Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí để người dân chuyển nghề.
Các quyết định, chỉ thị ra đời được thực hiện nghiêm túc. Từ hơn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Đà Nẵng đã gom thành 8 điểm giết mổ tập trung cách xa khu dân cư. Tại đây không còn tình trạng giết mổ dưới nền xi măng mà chuyển qua giết mổ treo 100%, bảo đảm hợp vệ sinh và cho năng suất cao hơn so với giết mổ nhỏ lẻ, lại giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường.
Từ khi có Quyết định 15 và Chỉ thị 12, một số HTX chuyên giết mổ gia súc gia cầm, hay HTX mở rộng và đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tại Đà Nẵng đã thực hiện tốt các yêu cầu về giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có HTX Nông nghiệp Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang).
![]() |
Mô hình giết mổ tập trung của HTX Hòa Phước |
Đơn vị tiêu biểu
Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp, HTX Hòa Phước đã xây dựng trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm. Mỗi ngày, HTX giết mổ trên dưới 1.000 con lợn, bò. Ngoài ra, HTX còn giết mổ vịt và gà cung cấp cho khu vực Tp.Đà Nẵng.
Trung tâm giết mổ của HTX đã bố trí diện tích để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như thu gom chất thải rắn như phân, phụ chế phẩm của gia súc, gia cầm. Để đảm bảo an toàn nguồn gốc xuất xứ, các loại gia súc, gia cầm đều được nhập từ chiều hôm trước. Trước khi đưa vào giết mổ, gia súc, gia cầm đều được kiểm dịch thú y kiểm tra kỹ càng.
Riêng với gia súc, được tắm, gây choáng bằng điện, mổ treo, cạo lông bằng máy. Mọi quy trình sản xuất đều được giám sát chặt chẽ, bảo đảm cho thịt động vật không tiếp xúc với nền đất bẩn thỉu, đó là yêu cầu bắt buộc ở trung tâm giết mổ của HTX.
Tại trung tâm giết mổ của HTX, lực lượng thú ý cũng có mặt kiểm tra để đưa nguồn thực phẩm được kiểm dịch của cơ quan thú y đến với người tiêu dùng. 30 - 40 ngàn đồng là giá giết mổ đối với gia súc.
Nhờ dây chuyền giết mổ hiện đại, các hộ tham gia giết mổ có thể tăng số lượng và chất lượng thực phẩm. Việc này còn giúp cơ quan chức năng dễ dàng trong công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh.
“An toàn thực phẩm đã và đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm. HTX Hòa Phước xây dựng trung tâm giết mổ với mục tiêu tạo ra thực phẩm an toàn cho người dân, ngăn chặn lây lan dịch bệnh động vật thông qua con đường giết mổ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau giết mổ gia súc, gia cầm”, ông Nguyễn Thanh Tề - Giám đốc HTX, cho biết.
Bên cạnh việc nhận các đơn hàng giết mổ tập trung với số lượng lớn, HTX còn xây dựng các ô giết mổ nhỏ phục vụ nhu cầu cho những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến thực hiện hoạt động giết mổ bảo đảm vệ sinh thú ý, ATVSTP và vệ sinh môi trường.
Mô hình giết mổ tập trung của HTX Hòa Phước chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho hướng đi bền vững khi chú trọng đầu tư và phát triển cho công đoạn sau chế biến. Điều này không chỉ giúp tạo việc làm nâng cao thu nhập cho thành viên mà còn đáp ứng nhu cầu về thực phẩm bảo đảm VSATTP, kiểm soát được dịch bệnh và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Như Yến