Từ nhu cầu thực tế của việc bảo tồn và phát triển nghề, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc đi đôi với bảo vệ môi trường, năm 2017, các hộ dân sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị trấn đã thành lập HTX sản xuất-thương mại-dịch vụ mộc Chơn Thành.
Đảm bảo phát triển bền vững
Với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 4,3 tỷ đồng, HTX thu hút 14 hộ dân làm thành viên. Các hộ thành viên đều có xưởng riêng với các loại máy như CNC; máy cưa, xẻ gỗ; máy liên hiệp làm mộc; các loại máy cầm tay... phục vụ hoạt động cưa, xẻ, bào, bảo quản gỗ, cùng với đó là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế gỗ.
Trước đây, nghề mộc phần lớn phải làm bằng thủ công thì ngày nay, máy móc công nghệ hiện đại đã giải phóng sức lao động của con người rất nhiều. Đặc biệt, máy CNC - dòng máy thiết kế chuyên dụng cho sản xuất đồ gỗ giúp HTX có thể gia công số lượng lớn, đồng loạt, đáp ứng các đơn hàng lớn hoặc có thể tạo ra các mẫu sản phẩm theo ý tưởng yêu cầu của khách hàng.
Với vai trò là đầu mối của chuỗi sản xuất, HTX đứng ra cung ứng các khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn, giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, thủ tục và công đi lại... Đối với sản phẩm đầu ra, HTX là đầu mối thu gom sản phẩm của thành viên phân phối tại các cửa hàng trong toàn tỉnh và các tỉnh như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang.
Sản phẩm của các thành viên cũng đa dạng mẫu mã, bảo đảm về chất lượng nên nguồn doanh thu hàng năm luôn đạt trên 4 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 35 lao động và huy động thêm khoảng 20-40 lao động thời vụ theo nhu cầu công việc, thu nhập lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh lợi ích về kinh tế thì vấn đề môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của HTX. Bởi trong quá trình sản xuất, bụi gỗ được phát sinh ở hầu hết các công đoạn từ cưa, xẻ, khoan, phay đến bào, chà...
Lắp đặt máy hút bụi là một trong những giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong nghề mộc. |
Theo Ban giám đốc HTX, trước đây sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ, một số gia đình thường không chú trọng đến vấn đề xử lý bụi gỗ nên môi trường, sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, từ khi tham gia HTX và nhận được sự tuyên truyền từ các cấp ngành, HTX đã hướng tới sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Trong đó, HTX khuyến khích các thành viên lắp đặt máy xử lý bụi gỗ. Nhờ đó, bụi gỗ được “thu gom” ngay tại vị trí phát sinh thông qua đường ống và ra ngoài nơi tập trung để lọc và xử lý. Tình trạng bụi phát tán trong không khí, làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe được giải quyết khoảng 70%.
Theo anh Nguyễn Bá Thuận, thành viên HTX Chơn Thành, đầu tư máy xử lý bụi gỗ tuy tốn chi phí nhưng lại rất hữu ích đối với những gia đình làm mộc khi vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi.
HTX cũng chú trọng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ thành viên, người lao động không bào, chà, phun sơn ngoài vỉa hè, không sử dụng quạt thổi trực tiếp bụi gỗ, bụi sơn thẳng ra ngoài đường. Đồng thời, hoàn thiện nhà xưởng theo hướng khép kín để giảm tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Giải tỏa khó khăn, tạo thế cạnh tranh
Đến nay, HTX không chỉ trở thành một trong những đơn vị làm kinh tế hiệu quả của huyện, mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức, chung tay vì một môi trường sạch, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, HTX cũng gặp những khó khăn nhất định. Do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, nên HTX cần mở rộng sản xuất cả về cơ sở vật chất và số lượng thành viên. Tuy nhiên, không ít hộ sản xuất mộc trên địa bàn vẫn chưa muốn tham gia HTX. Nguyên nhân là ngại các thủ tục giấy tờ về lệ phí, ràng buộc vốn đầu tư... Điều này gây khó khăn cho HTX khi đang phải cạnh tranh với những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.
Phát triển nghệ mộc giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. |
Bên cạnh đó, HTX mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện hơn nữa cho HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để tổ chức nhập nguyên liệu đầu vào với số lượng lớn nhằm giảm giá thành và đầu tư trang thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá.
Thực chất, hoạt động sản xuất của HTX Chơn Thành đã và đang tạo việc làm và tăng thu nhập cho không ít lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo tồn ngành nghề truyền thống của địa phương. Từ những lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài và tiềm năng phát triển của mô hình HTX Chơn Thành, hy vọng rằng các cấp, ngành hữu quan cần có nhiều chính sách để khuyến khích người dân tham gia HTX cũng như tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Nếu được hỗ trợ, HTX sẽ có động lực phát triển ngày càng lớn mạnh, thu hút thêm hộ gia đình tham gia, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Như Yến