Những ngày này trên khắp các cánh đồng của xã Thụy An, màu xanh của lá tỏi được phủ kín. Đây cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng tỏi lớn nhất huyện Thái Thụy với 160 ha (chiếm gần 59% so với tổng diện tích trồng cây vụ Đông toàn xã).
Do thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi một số cây trồng kém năng suất sang trồng tỏi theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ cũng thực hiện xen canh tỏi với hành để nâng cao năng suất.
Nông sản ứ đọng
Cũng như mọi năm, sau khi thu hoạch lúa, nông dân sẽ tiến hành trồng tỏi từ tháng 9 và thu hoạch vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau. Hầu hết các hộ gia đình tại địa phương này đều lựa chọn tỏi là cây vụ Đông chính với trên 1.100 hộ.
Để hỗ trợ sản xuất, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thụy An đã đứng ra tư vấn, kết nối để các thành viên, người dân nắm vững kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón và một phần đầu ra.
Thụy An hiện có một số diện tích tỏi đạt tiêu chuẩn VietGAP và do hợp thổ nhưỡng, khí hậu nên hành tỏi ở đây được ví “dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi”, năng suất cây trồng đạt trung bình khoảng 15-16 tấn củ tươi/ha.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng đầu ra nên tỏi đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ được. Bà Nguyễn Thị Thu (xã Thụy An) cho biết, gia đình bà tham gia HTX, mọi năm, HTX sẽ hỗ trợ thu mua để xuất bán sang các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng không xuất đi được nên cánh đồng tỏi bát ngát thẳng cánh cò bay vẫn còn 70% diện tích đang nằm chờ người đến mua.
“Công sức nửa năm trời của bà con vẫn đang nằm ngoài ruộng. Nghề nông đã vất vả lắm rồi, quê tôi lại xa trung tâm nên lại càng khó khăn”, chị Thu nói.
Dù đã đến kỳ thu hoạch nhưng vì khó khăn trong tiêu thụ nên những cây tỏi ở xã Thụy An vẫn đổ rạp trên các luống. |
Theo ông Mai Đức Nhường, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thụy An, HTX đang sản xuất 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất trung bình khoảng 70 tấn/năm. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh thì Hải Dương là một trong những thị trường ngoại tỉnh chính của HTX. Hiện, tỉnh này đang bùng phát dịch bệnh nên các đơn vị không thể thu mua.
“Mấy hôm nay, HTX tích cực liên hệ thông qua internet, mạng xã hội. Đã có một vài cuộc điện thoại từ các tỉnh cả ở miền Bắc và miền Nam hỏi mua vì sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn nhưng tỏi là mặt hàng nặng lại chuyển qua mấy lần trung chuyển thì không tiện mà phải cần có công ty vận tải. Trong khi Hải Dương là tâm dịch, nhiều tuyến đường huyết mạch khó lưu thông cộng thêm các quy định về phòng chống dịch nên doanh nghiệp vận tải và thương lái ngừng hoạt động”, ông Nhường chia sẻ.
Thụy Tân cũng là một trong những xã có diện tích trồng tỏi và hành lớn của huyện Thái Thụy với diện tích 84ha. HTX nông nghiệp Thụy Tân cũng đang hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng này.
Theo Ban giám đốc HTX, mọi năm, hành, tỏi được các thương lái ở Kinh Môn, Nam Sách (Hải Dương) đến thu mua về để làm tỏi khô. Nhưng năm nay, ngay sản phẩm của các địa phương này sản xuất ra cũng khó tiêu thụ nên người dân Thụy Tân gặp khó về đầu ra. Hiện, tỏi chỉ được tiêu ở các chợ truyền thống với số lượng nhỏ giọt.
Liệu có mở được đầu ra?
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, cho biết Liên minh HTX tỉnh đã nắm được tình hình về việc khó khăn trong tiêu thụ của các HTX trồng tỏi ở Thái Thụy và báo cáo các cấp ngành nhằm đưa ra những hướng đi cụ thể, có thể hỗ trợ các HTX và người dân.
Liên minh HTX tỉnh đang hướng dẫn người dân làm tốt công tác thu hoạch. Nếu diện tích nào đạt thời gian thì tiến hành thu hoạch luôn, không để lâu trên ruộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, đồng thời bảo đảm diện tích để phục vụ vụ sản xuất mới.
“Ngoài tập trung bảo quản theo quy trình, Liên minh HTX tỉnh cũng đang tích cực cùng các cấp ngành hỗ trợ người dân kết nối với các đơn vị vận tải và đơn vị thu mua để tiêu thụ cả ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó, tập trung vào việc xuất đi các chợ đầu mối nhưng vẫn phải bảo đảm theo đúng quy trình phòng chống dịch Covid-19”, ông Toản cho biết.
Hiện, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cũng lựa chọn tỏi Thái Thụy là một trong năm sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh nên việc hỗ trợ các HTX, đặc biệt là các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để mở rộng đầu ra không chỉ ở hiện tại mà cả về lâu dài, theo ông Toản, các HTX và người dân cần tiếp tục nâng cao chất lượng cả trong sản xuất và kinh doanh. Khi tỏi đạt chất lượng cao sẽ đủ tiêu chuẩn chế biến hoặc xuất vào các siêu thị.
Hiện, tỏi chỉ được người dân tiêu thụ nội tỉnh hoặc đem ra chợ bán với số lượng nhỏ. |
Còn về phía HTX, ông Mai Đức Nhường cho biết khi các thành viên đăng tin trên các trang mạng xã hội đã có người liên hệ, từ đó HTX rút ra một số điều: Các thông tin được đăng tải đã thu hút được khách hàng, chất lượng nông sản VietGAP đang được người tiêu dùng, khách hàng quan tâm.
Chính vì vậy, ngoài bảo đảm chất lượng, cần chú trọng đến marketing thì người cần mới biết đến sản phẩm của mình được. Đây cũng là cách sớm tìm ra được đầu ra cho nông sản.
Hi vọng với sự hỗ trợ của Liên minh tỉnh, các cấp ngành và những gì HTX đang làm, trong nay mai, đầu ra cho diện tích tỏi ở Thái Thụy sẽ được khơi thông để công sức người nông dân không "bỏ sông, bỏ bể".
Huyền Trang