Nằm trên vùng đất đỏ bazan, xã An Bình (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) có thể mạnh đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, trong đó có cây dưa lưới. Dựa trên nền tảng ấy, gần hơn 7 năm qua, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long đã đứng ra liên kết thành viên, tạo ra doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm.
HTX làm điểm tựa
Giám đốc HTX Nguyễn Hồng Quyết cho hay dưa lưới vốn dĩ là loại cây khó tính, mẫn cảm với thời tiết, côn trùng gây hại, nên việc chăm sóc tại HTX rất tỉ mỉ, cẩn thận, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn sinh thái, thân thiện môi trường, nói không với hóa chất độc hại.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, HTX ứng dụng tưới nhỏ giọt, hệ thống màng che cách ly cây trồng với côn trùng gây hại nên hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón giảm trên 70%.
Sản xuất theo hướng hiện đại hóa là chìa khóa giúp nhiều HTX phát triển ổn định. |
Với thời gian sinh trưởng ngắn, lại áp dụng kỹ thuật chăm sóc công nghệ cao nên dưa lưới của HTX Kim Long đạt năng suất vượt trội, chất lượng tốt, có thể trồng 4 vụ/năm. Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX đưa ra thị trường trên dưới 1.500 tấn, doanh thu đạt trên 45 tỷ đồng.
Với hoạt động hiệu quả, từ 7 thành viên, với diện tích 2ha ban đầu, đến nay, HTX Kim Long có 73 thành viên, diện tích 20ha. Không chỉ ở Bình Dương, HTX còn liên kết với một số nông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới của HTX Kim Long đã mở ra những cơ hội mới trong hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng các quy trình chuỗi sản xuất và góp phần nâng tầm giá trị nông sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Phú Giáo.
Nông dân tự tin làm giàu
Gần 7 năm kể từ ngày gia nhập HTX Kim Long, ông Trần Văn Dũng, trú tại ấp Cà Ná, xã An Bình chia sẻ đây là một trong những quyết định sáng suốt, làm thay đổi cuộc sống của ông và gia đình. Vào HTX, ông được hỗ trợ về kỹ thuật, kết nối các dịch vụ đầu vào, hỗ trợ thị trường tiêu thụ, qua đó ổn định thu nhập theo từng năm.
Khi bắt đầu, gia đình ông Dũng chỉ duy trì chưa đến 2.000m2 canh tác, đến nay, cùng với sự đồng hành của HTX, tổng diện tích trồng dưa lưới của gia đình đã lên tới 7.000m2. Nhờ sản xuất khoa học, bình quân mỗi năm, mô hình cho doanh thu 1,2 – 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 700 – 800 triệu đồng.
Cũng sản xuất dựa trên nền tảng nông nghiệp hiện đại, nhiều năm trở lại đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (phường 12, TP Đà Lạt) trở thành địa chỉ cung cấp rau sạch tin cậy ở Lâm Đồng cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bắt đầu từ một tổ hợp tác với quy mô nhỏ, hầu hết thành viên ở tổ Hòn Bồ, năm 2012, HTX Tân Tiến được thành lập với 13 thành viên. Hiện tại, qua quá trình phát triển, số thành viên và diện tích đất ngày càng mở rộng, HTX đang có tổng diện tích đất canh tác của các thành viên lên tới 40 ha, cùng 80 ha liên kết các hộ nông dân, với trên 50 loại sản phẩm.
Hoạt động ổn định giúp HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho các thành viên. |
Giám đốc HTX Mai Văn Khẩn cho hay, để có được những thành công hiện tại, HTX đã chủ động ứng dụng quy trình canh tác an toàn, sản lượng hàng năm bình quân 2.500 tấn cung cấp cho hệ thống siêu thị, chợ đầu mối.
Hàng năm, các hộ thành viên HTX đều được các đơn vị chuyên ngành nông nghiệp tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP như chuyển đổi giống mới, canh tác trên giá thể, sử dụng hệ thống tự động tưới phun mưa, nhỏ giọt, không làm xói mòn đất, thích ứng biến đổi khí hậu…
Nhờ chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, HTX Tân Tiến hoàn toàn chủ động trong sản xuất. Diện tích sản xuất đều đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cam kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, trong đó phấn đấu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 100% diện tích rau, củ, quả hiện có sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Thêm bệ phóng để nhân rộng
Đáng chú ý, trên địa bàn TP Đà Lạt hiện nay cũng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả. Bên cạnh HTX Tân Tiến, còn có thể kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt (phường 9) tập hợp 7 đoàn viên thanh niên đều có trình độ từ cử nhân đến thạc sĩ tự góp đất (30.000 m2) để sản xuất các loại rau, củ, quả công nghệ thủy canh, mỗi năm mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho mỗi thành viên.
Hay như HTX hoa Phường 12 của 14 bạn trẻ cùng nhau sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm hoa cao cấp, giải quyết việc làm cho 30 lao động (lương 6 triệu đồng/người/tháng). Hoặc Tổ hợp tác thanh niên xã Trạm Hành với 9 thành viên hỗ trợ nhau kiến thức, kỹ thuật chăm sóc rau, hoa, cà phê, hồng sấy gió; hướng sản xuất theo mô hình du lịch nông nghiệp.... mang lại thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên.
Có thể thấy, các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, theo đuổi sản xuất nông nghiệp hiện đại ngày càng được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Với hoạt động hiệu quả, các HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, người lao động, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm chung của các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng nhà màng, nhà lưới hiện tại không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà quỹ đất dành cho phát triển sản xuất cũng hạn chế nên nhiều HTX chưa phát huy hết được tiềm năng. Mặt khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới làm từng phần nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường đầu ra sản phẩm...
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy nhân rộng mô hình các HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần có biện pháp ưu tiên hỗ trợ vốn giúp các HTX có thể ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học vào sản xuất.
Các cơ quan chức năng, địa phương cũng cần nâng cao nhận thức của thành viên HTX về hiệu quả của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, lựa chọn các HTX có tiềm lực, khả năng để hỗ trợ tư vấn hướng dẫn, giúp các HTX lựa chọn, áp dụng công nghệ phù hợp, chuyển đổi sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất có giá trị cao, chi phí thấp…
Mỹ Chí