Từ một hộ gia đình sản xuất chè đơn lẻ, được sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh, năm 2017, anh Nguyễn Công Sử, xã Mỹ Bằng, (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã cùng với 6 người khác đứng ra thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (HTX Sử Anh), chuyên trồng, chế biến chè.
Ấn tượng cây chè VietGAP
Sau hơn 6 năm phát triển, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên hơn 30 ha chè, tạo việc làm cho trên 30 lao động, trong đó chủ yếu là người dân tộc Cao Lan, Tày, Sán Dìu, Mông... Cùng với đó, HTX đã xây dựng diện tích 60 ha liên kết với hơn 100 hộ dân trong huyện và vùng lân cận.
Để đảm bảo hiệu quả, khi tham gia mô hình, các hộ trồng chè đều phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Nhờ vậy, sản phẩm chè của HTX được thị trường đón nhận, thu nhập của thành viên HTX và người lao động luôn ổn định.
Các sản phẩm thế mạnh như chè đang được Yên Sơn chú trọng phát triển. |
Với chất lượng vượt trội, giá trị kinh tế ổn định, năm 2020, HTX Sử Anh có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn và trà xanh Ngọc Thúy; 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chè xanh Phú Lâm, chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Sử Anh cho biết, đạt sao OCOP là điểm tựa để HTX nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm thị trường và nâng tầm thương hiệu. “Tuy nhiên, OCOP sẽ không phát huy tác dụng nếu bản thân mỗi chủ thể không tự vươn lên, không năng động và làm mới các sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu thị trường”, anh Sử nói.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX Sử Anh đang có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, giúp xã Mỹ Bằng liên tục duy trì vị thế là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Sơn.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021. Kể từ năm 2022, xã Mỹ Bằng tập trung tối đa nguồn lực, trí lực để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chú trọng tổ chức sản xuất dựa trên tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp của xã. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 670 ha chè, trong đó có khoảng 200 ha sản xuất theo mô hình VietGAP.
Phát triển kinh tế hàng hóa
Không chỉ có cây chè, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Sơn còn chủ động thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, từ đó tạo động lực phát triển nhiều loại cây con thế mạnh khác, điển hình như cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, nuôi ong mật, nuôi dê…
Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Bằng, mô hình ghép cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình, vùng trồng nhãn tập trung với trên 140 ha trong đó gần 100 ha nhãn đang cho thu hoạch...
Diện mạo nông thôn mới ở Yên Sơn ngày càng khởi sắc. |
Đặc biệt, huyện khuyến khích và hỗ trợ các HTX trong khâu dịch vụ sản xuất để làm nền tảng thúc đẩy người dân liên kết sản xuất kinh doanh. Điển hình là HTX nông sản an toàn Núi Mây (xã Thái Bình) hoạt động chủ yếu là chăn nuôi dê và được hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, xúc tiến đầu ra.
Trong khi đó, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu (xã Thái Bình) được hỗ trợ và mở rộng các dịch vụ buôn bán thực phẩm, mua bán mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa và nuôi 1.000 đàn ong….
Không chỉ phát triển các dịch vụ, nhiều HTX còn đang tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện. Hiện nay,toàn Yên Sơn có gần 30 sản phẩm OCOP đã được chuẩn hóa. Các sản phẩm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 81 trang trại (20 trang trại tổng hợp, 45 trang trại trồng trọt, 4 trang trại lâm nghiệp, 12 trang trại chăn nuôi), 107 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản; thành lập mới 8 HTX. Trên toàn huyện Yên Sơn cũng có 7 HTX trực tiếp sản xuất hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Các yếu tố đó đã đóng góp vào thu nhập bình quân đầu người của toàn huyện đạt 43 triệu đồng/năm.
Tạo đà cho nông thôn mới
Với sự chuyển biến toàn diện về kinh tế xã hội, đặc biệt là thành công trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, cùng sự đồng lòng của người dân và các cấp chính quyền địa phương, đến nay, toàn huyện Yên Sơn đã có 14/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 51,85%).
Trong đó, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thái Bình, Mỹ Bằng, Hoàng Khai), 1 xã (Thái Bình) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, Yên Sơn tiếp tục phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chiêu Yên và Xuân Vân), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phúc Ninh, Kim Quan), cùng với đó là xã Mỹ Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Lê Quang Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP, xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong lĩnh vực “tam nông”, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện quyết tâm duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 16 xã, 5 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Việc thúc đẩy phát triển “tam nông” sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 47,9 triệu đồng/năm; giảm 3,8% hộ nghèo trong năm.
Lệ Chi