Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn.
Không ngừng bứt phá
Từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2010 đến nay, huyện Xuyên Mộc đã có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện chính thức đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.
Với những thành công trong xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư kiên cố, đồng bộ, trong đó 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa.
Thu nhập bình quân đầu người của 100% xã trong huyện đạt từ trung bình 61 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 44 triệu đồng so với năm 2010; tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,5%. Tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% trong đó tỉ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt trên 75,1%; cảnh quan, môi trường đảm bảo xanh - sạch - đẹp…
Chuyển biến trong nông nghiệp là một trong những điểm tựa giúp Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng nông thôn mới. |
Một trong những điểm mạnh của Xuyên Mộc đó là phát triển HTX. Mô hình kinh tế này cũng là điểm tựa để Xuyên Mộc đã sớm trở thành huyện thứ 6 đạt chuẩn nông thôn mới tại Bà Rịa-Vũng Tàu hồi tháng 6 vừa qua.
Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện. Đơn cử, trước đây, các hộ trồng nhãn, mãng cầu ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) thường bị thương lái ép giá hoặc phải mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng với giá cao, dẫn đến thu nhập kém ổn định.
Từ khi HTX dịch vụ Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp) được thành lập, những bất cập trên đã dần được tháo gỡ. Nông sản của người dân được bảo đảm đầu ra và bán được với giá cao gấp 2-3 lần so với trước đây.
“Trước đây, chúng tôi “mạnh ai nấy làm”, nên thường bị ép giá. Từ khi có HTX, đầu ra của nông sản ổn định, nhờ đó cuộc sống của bà con nông dân cũng đã có nhiều đổi thay”, ông Lê Văn Tường, Giám đốc HTX Nhân Tâm cho biết.
Tính đến nay, toàn huyện Xuyên Mộc có 8 HTX nông nghiệp hoạt động trong các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp… với hàng trăm thành viên và người lao động tham gia.
Điểm tựa nông nghiệp hiện đại
Không chỉ ở Xuyên Mộc, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là những đóng góp vào quá trình phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Đáng chú ý, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xác định là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, tỉnh đã và đang có nhiều chính sách, tạo cơ hội để ngành này phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Cụ thể, từ năm 2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có đề án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, tỉnh xác định hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh kêu gọi các HTX, doanh nghiệp đầu tư, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Thời gian tới, các địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới.
Quá trình xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. |
Như tại huyện Châu Đức đến nay có hơn 3.500ha đất được đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các cây hồ tiêu, rau, cây ăn quả… Năm 2022 giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện này ước đạt gần 1.500 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trên nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, huyện Châu Đức đã về đích nông thôn mới vào năm 2022. Từ một huyện thuần nông, vùng sâu, vùng xa và nghèo của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới rất thấp, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Đức “đã thay da đổi thịt”.
Hướng tới các mục tiêu mới
Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của huyện Châu Đức như hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, bắp, rau các loại đã ra đời. Điển hình như mô hình trồng thanh long của HTX nông nghiệp - dịch vụ Xuân Trường, xã Sơn Bình.
Hiện, HTX đã tập hợp được 17 thành viên, với gần 14 ha, trong đó có 12ha đang cho thu hoạch trái. HTX cũng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc để có đầu ra ổn định cho sản phẩm thanh long của các thành viên.
Ông Nguyễn Tấn Lương, Giám đốc HTX Xuân Trường, cho biết để tìm kiếm đầu ra ổn định và có thể xuất khẩu thanh long ra nước ngoài cho người trồng thanh long trên địa bàn xã, việc cấp thiết nhất là tập hợp bà con để thành lập ra HTX, có như vậy thì việc làm hồ sơ mã vùng trồng xuất khẩu dễ dàng hơn. Từ đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, người lao động.
Có thể thấy, với sự đoàn kết của cả chính quyền các cấp và nhân dân, đặc biệt là sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có những chuyển biến toàn diện, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người dân.
Tính đến đầu tháng tháng 8/2023, tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới là 67 triệu đồng/người/năm và 72 triệu đồng/người/năm đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện, tỉnh có 91 sản phẩm nông nghiệp của 45 chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 4,12%/năm; có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 80,85%), 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 29,78%).
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn từ 0,5% trở xuống, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 1,5 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động dưới 15%...
Lệ Chi