HTX thủy sản sản Cấm Sơn đang thu hút 12 thành viên. Thay vì nuôi một số loài cá bản địa, HTX chuyển sang nuôi cá tầm thương phẩm, vì đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, những điều kiện về độ cao, nhiệt độ, nguồn nước tại địa phương có thể đáp ứng những yêu cầu để phát triển giống cá này.
Quy trình kỹ thuật chặt chẽ
Bể cá được HTX xây dựng trên nền đất chắc, cao ráo để thuận tiện cho việc thay nước, chăm sóc và tạo không gian cá sinh sống thoải mái. Toàn bộ phần bên ngoài được lót bạt, bên trong là hệ thống lồng khung sắt để thuận tiện cho lúc vệ sinh và thu hoạch. Các hộ từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thiết kế bể theo mô hình bậc thang nhằm tạo ra nguồn nước “động” cho cá sinh trưởng tốt.
Hàng ngày, thành viên HTX kiểm tra nhiệt độ nguồn nước. Khi thời tiết thay đổi, nước nóng lên, thành viên xả nhiều nước, sử dụng điện bơm thêm oxy tạo độ mát lạnh cho cá không bị ngạt.
Cá tầm có giá trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm được kỹ thuật trong quá trình sản xuất. |
Cá tầm là loài ăn đáy và độ sâu của bể luôn trên 4m, yêu cầu thức ăn phải có độ bền lâu trong nước trên 1 giờ. Nếu thức ăn tan nhanh sẽ không đảm bảo độ dinh dưỡng cung cấp hàng ngày cho cá mà còn tăng chất thải làm ứ đọng. Chính vì vậy, HTX đứng ra nhập thức ăn đúng chủng loại từ Phần Lan, Na Uy và cho cá ăn đủ 3 bữa (sáng, trưa, chiều). Lượng thức ăn cũng bảo đảm theo độ tuổi để hạn chế lãng phí, ứ đọng dưới bể gây ô nhiễm môi trường.
Hàng ngày, thành viên đều phải quan sát, loại bỏ rác thải tại khu vực nuôi, ảnh hưởng tới bể nuôi và gây dịch bệnh cho cá. Định kỳ 20 - 30 ngày, HTX tiến hành vệ sinh bể nuôi bằng cách dùng máy bơm cao áp xả nước trực tiếp vệ sinh bể, sau đó hệ thống xi phông sẽ đẩy thức ăn thừa và phân cá ra ngoài. Biện pháp này giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước trong bể nuôi - nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh của cá.
Mở ra cơ hội mới
Cá tầm chỉ sinh trưởng tốt trong môi trường nước sạch, nhiệt độ khoảng 22 độ C, nếu nhiệt độ cao trên mức 30 độ C trở lên thì cá sẽ thiếu oxy và chết, nên các thành viên phải thay nhau trực tại khu vực nuôi cá.
Từ thực tiễn sản xuất, các hộ tự rút kinh nghiệm không thả quá nhiều cá trong một bể, kịp thời phát hiện khi cá thiếu sức sống như: bơi lờ đờ, không linh hoạt, nổi đầu lên mặt nước, lười ăn, để tìm ra nguyên nhân, chăm sóc cá mau khỏe, chóng lớn. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật và đầu tư đồng bộ nên tỷ lệ cá sống đạt 95%.
Trung bình mỗi năm, sản lượng thủy sản khai thác của HTX đạt từ 10 - 20 tấn, doanh thu đạt từ 2 - 3 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5 - 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/người/tháng.
Liên kết nuôi cá tầm thương phẩm giúp mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. |
Với sự năng động trong cách làm, hiện nay, HTX còn mở thêm dịch vụ bán cá giống và chia sẻ cách chăm sóc để tăng hiệu quả. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, HTX tăng thêm nguồn thu từ 300 - 500 triệu đồng.
Mặc dù mới thành lập, nhưng HTX thủy sản Cấm Sơn đã trở thành mô hình hoạt động hiệu quả. Điều này không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường khi nâng cao ý thức người dân trong sản xuất, cũng như áp dụng các kỹ thuật tiến tiến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước.
Đặc biệt, khi hoạt động theo Luật HTX 2012, từ những hộ dân sản xuất tự phát, đến nay các thành viên đã biết lập kế hoạch, biết quan tâm đến sản xuất theo chuỗi và xúc tiến thương mại một cách chuyên nghiệp hơn. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững.
Như Yến