Dưới sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), HTX Danh Tiến là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ứng dụng các kỹ thuật trong sản xuất lúa thông minh nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cung cấp cho doanh nghiệp phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cả vụ chỉ bón phân một lần
Từng là địa phương có lợi thế phát triển cây lúa, nhưng có thời gian do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đi kèm với biến đổi khí hậu khiến đất đai bạc màu, cây lúa ở Xà Phiên kém năng suất, gây tâm lý chán nản cho người nông dân.
Trước thực trạng này, việc liên kết với doanh nghiệp ứng dụng sản xuất lúa thông minh theo hướng hàng hóa tại HTX Danh Tiến đã mở ra cơ hội phát triển sản xuất cho người nông dân.
Sau các lớp tập huấn, hiện nay, người dân đã ứng dụng nhuần nhuyễn quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 600ha và thu hút 500 hộ nông dân tham gia đồng loạt.
Mô hình canh tác lúa thông minh được đánh giá cao vì thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh:TL) |
Nổi bật là bà con giảm lượng lúa giống trong gieo sạ từ 20kg/công xuống còn 10kg/công, thực hiện bón phân một lần cho cả vụ và chỉ phun thuốc vi sinh.
Theo thành viên HTX, các loại phân bón bình thường rất dễ bị rửa trôi theo nước, tan nhanh trong nước và bị bay hơi khi gặp ánh nắng mặt trời nên cây lúa hay bị còi cọc, thiếu dinh dưỡng. Trước thực trạng này, trước đây người dân thường bón nhiều phân, đặc biệt là phân hóa học để đảm bảo năng suất và bù đắp phần thất thoát.
Tuy nhiên, khi tham gia sản xuất lúa thông minh, nông dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ do doanh nghiệp cung cấp. Loại phân này không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn lâu tan trong điều kiện thời tiết bình thường, nên hạn chế tình trạng phân bón bị rửa trôi hay bốc hơi. HTX chỉ bón phân một lần trước khi gieo sạ. Dinh dưỡng sẽ được cung cấp đủ cho lúa trong suốt quá trình canh tác, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Thực tế cho thấy, thất thoát phân bón do bị rửa trôi, bị bay hơi khi gặp ánh nắng mặt trời không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây lúa mà còn tác động xấu đến môi trường đất, nước và không khí. Việc HTX Danh Tiến thực hiện bón phân một lần duy nhất trong suốt một vụ lúa giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như các khí nguy hiểm như N2O. Ngoài ra, do giảm được thuốc bảo vệ thực vật và chỉ dùng thuốc vi sinh để phun, nên quá trình sản xuất sẽ hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của các cấp ngành, mô hình canh tác lúa thông minh của HTX Danh Tiến thích hợp cho sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, từ đó giúp giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế cũng như lợi nhuận cho nông dân.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Áp dụng giảm giống sạ thưa, biện pháp "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch bệnh trên đồng ruộng, nên diện tích sản xuất lúa của HTX không xảy ra các bệnh và côn trùng gây hại như đạo ôn, rầy nâu… Năng suất lúa đạt bình quân khoảng 8 tấn/ha, các chi phí đầu vào giảm khoảng 60%, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận và giảm bớt công sức lao động trên đồng ruộng.
Để đạt được những thành công khả quan như vậy, thành viên HTX Danh Tiến đã phải trải qua các buổi tập huấn và sản xuất thử nghiệm. Đến nay, mọi người đều có kiến thức về sạ thưa, quản lý sâu bệnh, biết khi nào nên phun thuốc, khi nào không nên phun thuốc.
Lúc đầu được phổ biến các kỹ thuật sản xuất lúa thông minh, các thành viên cũng đặt nhiều hoài nghi. Nhưng từ thực tế thị trường đòi hỏi phải có sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc nên mọi người đã bắt tay vào làm thử, sau đó mở rộng diện tích lên hàng trăm ha.
Doanh nghiệp thu mua và sơ chế lúa gạo cho HTX Danh Tiến (Ảnh:TL) |
Sau khi thu được những thành quả nhất định, người dân mới nhận ra rằng muốn không sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh mà vẫn có mùa màng bội thu thì phải sử dụng giống tốt được xác nhận, xử lý đất đúng kỹ thuật, làm đất kỹ, gieo trồng đúng thời vụ, đúng khoảng cách và mật độ thích hợp, không lạm dụng phân đạm, quản lý tốt các khâu kỹ thuật liên hoàn. Từ đây, quá trình sản xuất không những giảm liều lượng thuốc hóa học mà còn có thể loại bỏ thuốc hóa học ra khỏi đồng ruộng.
Đặc biệt, việc HTX liên kết được với Công ty Hạt Ngọc Việt bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg đã giúp lợi nhuận sản xuất tăng thêm 80 triệu đồng/100ha.
Để xây dựng được chuỗi sản xuất bền vững, HTX còn đẩy mạnh tận dụng sản phẩm phụ là rơm rạ bằng việc đầu tư máy cuốn rơm, sau đó bán rơm cho các đơn vị chăn nuôi hoặc trồng nấm nhằm gia tăng giá trị sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động đốt rơm.
Mô hình sản xuất lúa thông minh của HTX Danh Tiến được kỳ vọng tiếp tục phát triển và nhân rộng để đưa ngành sản xuất lúa gạo đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Như Yến