Vĩnh Thịnh là vùng trọng điểm chăn nuôi bò với quy mô khoảng 10.000 con, trong đó có khoảng 8.000 con là bò sữa. Nghề nuôi bò mang lại thu nhập khá cho người dân nhưng môi trường bị xuống cấp từng ngày. Nguyên nhân là vì lượng chất thải chăn nuôi lớn nhưng người dân chưa có điều kiện xử lý nên thường xả ra cống rãnh, kênh mương, đường giao thông nội đồng. Theo thời gian, lượng phân tích tụ ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và mỹ quan.
Biến chất thải thành... "vàng"
Trăn trở về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Thảo, người dân địa phương đã đứng ra thành lập HTX Môi trường và sản xuất kinh doanh dịch vụ Anh Đăng.
HTX chuyên thu gom phân bò để sản xuất phân bón hữu cơ. Với nguồn phân bò có sẵn, HTX đã xây dựng cơ sở sản xuất với diện tích 3.500m2, có mái che, hệ thống bể gom, bể biogas, 2 máy ép phân... với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng.
Giám đốc Nguyễn Văn Thảo cho biết, số lượng đàn bò toàn xã lên đến 10.000 con, trung bình mỗi ngày, lượng phân thải ra khoảng 200 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, để làm tốt việc thu gom, có lượng phân sản xuất ổn định, HTX phải liên kết chặt chẽ với các hộ dân, đồng thời hỗ trợ bà con thùng chứa phân bò. HTX cử công nhân hàng ngày đi thu gom phân về bãi sản xuất 2 lần vào buổi sáng và chiều tối.
![]() |
Giám đốc Nguyễn Văn Thảo kiểm tra chất lượng phân hữu cơ sau khi ép. |
Bình quân mỗi tháng, HTX thu gom 1.400 - 1.500 tấn phân bò tươi. Tại bãi sản xuất, phân bò được đưa chung vào một hố, máy sẽ tự động hút phân bò tươi lên ép thành phân khô. Kết quả, thành phẩm sẽ là phân riêng (phân khô tơi xốp có độ ẩm khoảng 15 - 25%), còn nước phân một phần sẽ chảy vào bể biogas, một phần sẽ chảy về một bể khác có hệ thống sục với men vi sinh. Qua bể sục, nước sẽ được lọc một lần nữa để đạt mức tiêu chuẩn có thể đem tưới rau, cỏ, cây hoa màu... tạo thành một hệ thống khép kín.
Phân sau khi ép không mùi, hàm lượng dinh dưỡng nuôi cây cao, giúp cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường 300 - 330 tấn phân bón hữu cơ, trừ các khoản chi phí đầu tư, HTX có thể thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, khu vực sản xuất được xử lý bằng chế phẩm vi sinh và hầm biogas nên không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Nếu như phương pháp ủ phân truyền thống mất nhiều thời gian, tối thiểu từ 3-6 tháng mới hoai mục, thì cách làm của HTX có thể hoàn thành ngay trong ngày. Khi xử lý qua máy móc, khối lượng phân cũng giảm nên dễ vận chuyển và bảo quản hơn.
Hiện, HTX mở rộng thị trường ra toàn miền Bắc. Trong đó, những tỉnh, thành sử dụng nhiều phân bón hữu cơ của HTX là Bắc Giang, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…
Hiệu quả kép
Những năm trước, chất thải trong chăn nuôi bò ở xã Vĩnh Thịnh khiến chính người dân phải khổ sở bởi mùi hôi nồng nặc. Thế nhưng, từ khi có HTX Anh Đăng đứng ra thu gom, xử lý chất thải bò làm phân bón hữu cơ, đến nay môi trường đã giảm ô nhiễm, đường làng ngõ xóm sạch và ít bốc mùi hơn. Người dân cũng chủ động thu gom chất thải để cung cấp cho HTX.
Ông Đặng Văn Quốc (xã Vĩnh Thịnh), cho biết gia đình ông nuôi 200 con bò sữa, mỗi ngày thải ra hàng tấn phân. Dù gia đình đã xây hầm biogas nhưng hầm nhỏ, chất thải không xử lý hết nên áp lực môi trường rất lớn. Từ khi có HTX đứng ra thu mua phân bò, môi trường đã được cải thiện, gia đình cũng không phải mất công vận chuyển phân đi nơi khác.
![]() |
Xã Vĩnh Thịnh đã sạch đẹp nhờ làm tốt công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi. |
Hoạt động của HTX tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Từ nguồn phân tươi dư thừa, HTX đã biến thành sản phẩm có ích để cung cấp cho các nhà vườn tại các địa phương có thế mạnh gieo trồng nhưng đang thiếu hụt nguồn phân bón hoặc đang lạm dụng nguồn phân vô cơ.
Theo đánh giá của đại diện UBND xã Vĩnh Thịnh, hoạt động của HTX Anh Đăng đang phục vụ tích cực cho sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng khuyến khích người dân dùng phân bón hữu cơ, chú trọng bảo vệ môi trường. Hoạt động của HTX đang nhận được sự khuyến khích của địa phương và người dân khi giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Kế hoạch của HTX trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, dự kiến nâng 1,5 - 2 lần công suất hiện có, hướng tới thu gom toàn bộ chất thải chăn nuôi bò dư thừa tại xã Vĩnh Thịnh.
Huyền Trang