“Tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi, thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, đồng thời quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc HTX cho biết.
Nâng cao nội lực
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của HTX đạt xấp xỉ 3 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm 20% trên tổng doanh thu, đảm bảo ổn định việc làm cho thành viên với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Việc sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh: TL) |
Trong hoạt động chăn nuôi, HTX luôn chủ động, tìm tòi kỹ thuật nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ các HTX bạn, thông qua đó áp dụng đúng và đủ các kỹ năng đã thu nhận được, do vậy việc chăn nuôi của diễn ra khá thuận lợi.
Vật nuôi chủ yếu của HTX là lợn, sau đó là cá, gà, vịt và cá sấu. Vì nuôi thả với số lượng lớn nên hằng ngày HTX luôn phải sát sao theo dõi từ nguồn nước, nguồn thức ăn cho tới việc vệ sinh chuồng trại luôn được sạch sẽ, tạo môi trường thông thoáng, hạn chế dịch bệnh.
Hiện, HTX đang nuôi khoảng 1.000 con lợn, hàng vạn con gà, vịt, mỗi đợt thu hoạch thu về hàng tấn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh, HTX đã được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mạnh dạn đưa cây măng tây xanh về địa phương trồng thử và thấy đạt hiệu quả cao, qua đó nâng cao hiệu quả của mô hình HTX tổng hợp. Mỗi năm với mô hình chăn nuôi tổng hợp này, trừ các khoản chi phí, HTX thu về trên 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2020, HTX đã mở rộng thêm trang trại, nuôi thêm cá sấu, nâng tổng số lên 200 con. Tận dụng được lượng cá dư thừa hoặc cá chết và cá không đủ tiêu chuẩn để xuất bán làm thức ăn cho cá sấu, từ đó có thể tiết kiệm chi phí cho HTX, đồng thời xoay vòng được lượng thức ăn thừa trong HTX, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
“Do trang trại của HTX có diện tích khá lớn, xung quanh là ruộng canh tác của bà con trong xã, do đó HTX đã bổ sung thêm các máy lọc nước vừa phun tạo ôxy cho cá vừa làm sạch môi trường sống xung quanh. HTX với đặc thù là mô hình chăn nuôi trang trại, nhưng muốn thành công thì phải có kiến thức, quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Không những vậy, muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chủ động nắm bắt thị trường, đặc biệt là tạo ra được sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường ”, Giám đốc Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Đẩy mạnh chuyên môn hóa tập trung
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, HTX An Thịnh thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên và lao động. Để HTX phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, tỉnh đã có các chính sách khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để HTX giải quyết bài toán về quỹ đất nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất (Ảnh: TL) |
Các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, tìm các nhà đầu tư, doanh nghiệp để liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm…
Riêng năm 2019, từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện cho HTX vay vốn lãi suất ưu đãi với dư nợ trên 1,2 tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến, bảo quản sản phẩm cấp đông, tập huấn cho các thành viên HTX về khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Có thể nói, kết quả bước đầu đạt được khả quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thành viên và khả năng của HTX, quy mô hoạt động của HTX còn nhỏ lẻ, chưa có hoạt động tín dụng hỗ trợ vốn cho thành viên, khả năng bao tiêu sản xuất còn hạn chế, chưa có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng như trụ sở hoạt động, cơ sở chế biến…
Để phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, trong tương lai, HTX An Thịnh sẽ đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng, tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm hạn chế rủi ro, dịch bệnh… Có như vậy, HTX An Thịnh mới thực sự là "hạt nhân" để tập hợp các nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Minh Thành