Với quyết tâm “không ai bị bỏ lại phía sau”, HTX nông nghiệp An Mỹ đã chủ động mở rộng thị trường, bắt tay với doanh nghiệp liên kết, xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp mới. Đến nay, HTX có 345ha diện tích đất nông nghiệp với 2.750 thành viên. Tuy nhiên, HTX chỉ triển khai gieo sạ được 90% trên tổng diện tích, 10% còn lại là các vùng sâu trũng, khó canh tác.
Biến cánh đồng trũng thành “ruộng vàng”
Trước đây, hơn 30 ha trong tổng diện tích đất nông nghiệp của HTX vốn được gọi là “rốn nước” ở xã An Mỹ – nơi lụt sớm nhất và nước rút chậm nhất. Vì thế mà sản xuất một vụ lúa cũng không ăn chắc, bởi cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi có lũ tiểu mãn đi qua nhiều ruộng lúa ở đây dễ mất trắng.
Từ mô hình cá-lúa, các thành viên HTX An Mỹ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng trên vùng đất trũng tưởng như bỏ hoang. |
Song khi đó, bà con chăm sóc, thu hoạch vất vả nên chính họ cũng không mặn mà trên mảnh ruộng của mình. Nhận thấy diện tích đất trũng không canh tác tại địa phương tăng dần qua từng năm, lãnh đạo HTX cũng không khỏi trăn trở về vấn đề này.
Cho đến năm 2013, khi có chủ trương chuyển đổi mô hình canh tác, tận dụng tối đa diện tích sản xuất, HTX An Mỹ bắt tay vào quy hoạch 17ha ruộng trũng theo mô hình kết hợp cá - lúa với sự nhiệt tình tham gia của 70 thành viên.
Ban đầu, các thành viên tiến hành đầu tư, cải tạo mô hình như đào ao, đắp bờ, xử lý các tác nhân gây hại như côn trùng, sên…để cho lúa và cá phát triển tốt.
Mô hình cá - lúa kết hợp mang lại hiệu quả ngoài mong đợi cho các thành viên ngay từ vụ đầu tiên, biến cánh đồng trũng thành “ruộng vàng” đầy tiềm năng. Ông Bùi Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp xã An Mỹ cho biết, qua đánh giá năng suất thu nhập bình quân canh tác từ 150 – 170 triệu đồng/ha/năm đã nâng lên 200 – 250 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho sản xuất lúa giảm đi từ 10 – 15% so với không thả cá.
Với mô hình này, HTX lựa chọn những giống cá truyền thống chủ yếu là các loại như: trắm, chép, trôi, rô phi và mè, phù hợp với môi trường của cá và lúa, đem lại năng suất cao.
Ưu điểm của mô hình cá - lúa là tận dụng được lá lúa, các sinh vật phù du, gốc rạ làm thức ăn cho cá. Hơn nữa, cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, giúp giảm công làm cỏ, sinh trưởng phát triển tốt, tiết kiệm được nhiều chi phí.
Theo ban lãnh đạo HTX, đây là thời điểm cá chỉ ăn được lá lúa nằm thấp phía dưới nên vẫn bảo đảm cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Trong quá trình nuôi, các thành viên thường xuyên chú ý điều tiết mực nước ra vào ruộng cho phù hợp, sử dụng chế phẩm sinh học. Đến gần thời điểm thu hoạch, bà con tăng cường thức ăn cho cá, bổ sung các loại thảo dược, cho năng suất cao.
Lúa thơm, cá sạch
Kể từ khi chuyển đổi mô hình canh tác, bà Nguyễn Thị Hoan, thành viên HTX, nhận thấy mô hình cá - lúa kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao nên bắt tay vào thực hiện. Năm đầu tiên, với 1ha đất của gia đình, sau khi đào mương cao ráo, lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng, bà Hoan tiến hành thả cá trắm cỏ, chép,… với cỡ giống từ 0,5 kg vào trong ruộng.
Mô hình cá - lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. |
“Sau mỗi vụ thu hoạch, qua theo dõi, tính toán tôi nhận thấy tổng sản lượng lúa vẫn không hề thay đổi mà còn tăng lên. Bởi, cá trắm, chép, rô ăn ốc bươu vàng, mưa bão không làm lúa bị đổ và chuột không cắn phá. Với diện tích như vậy, mỗi năm sẽ cho thu hoạch 2 vụ, thu nhập hơn 250 triệu đồng/vụ/năm”, bà Hoan chia sẻ.
Đáng chú ý, trong suốt vụ nuôi bà con không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, vậy mà sau 7 tháng nuôi, cá phát triển tốt, trọng lượng trung bình 2,5 – 5 kg/con (tùy loại cá) tương đương với 3 - 4 tấn cá/ha, năng suất lúa trung bình đạt 4,5 - 5 tạ/ha.
Bên cạnh việc nuôi trồng cá-lúa, nhiều thành viên HTX còn tận dụng diện tích mặt bờ trồng cây hoa màu, cây ăn quả, nuôi vịt, gà. Mô hình sản xuất kết hợp này tận dụng được tối đa từng tấc đất, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đang được đa số thành viên ứng dụng rộng rãi.
“Có thể nói, mô hình là sự hỗ trợ lẫn nhau tạo nên hệ sinh thái khép kín, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho lúa và giảm lượng thức ăn cho cá nhưng lúa vẫn cho đảm bảo năng suất, cá phát triển nhanh. Qua đó, tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo thu nhập thêm cho các thành viên”, ông Oanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những lợi ích mang lại, mô hình vẫn còn những hạn chế như ruộng lúa bị thu hẹp do dành phần diện tích cho cá lên ruộng. Việc xẻ mương nuôi cá gây khó khăn trong việc thu hoạch lúa, tăng chi phí san lấp mặt bằng cho sản xuất lúa vụ sau…
Hiện, huyện Mỹ Đức có 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Khi phát triển, các hộ sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố như: chế phẩm sinh học, con giống..., năm đầu tiên được hỗ trợ 50%, năm thứ 2 là 30%.
Bên cạnh đó, hàng năm, Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức thường xuyên tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản cho bà con, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sản xuất, khai thác tối đa lợi ích ở địa phương.
Tô Thương