HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Ðông 2, xã Mỹ Ðông, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp là một trong những HTX tiêu biểu toàn quốc trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, thực hiện thành công mô hình "Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0".
Hiệu quả nhờ công nghệ mới
Mô hình cánh đồng tiên tiến của HTX Mỹ Đông 2 được thực hiện trên tổng diện tích hơn 66 ha, cơ giới hóa đồng bộ từ việc sử dụng phân bón thông minh đến việc cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, tưới ngập, khô xen kẽ bằng năng lượng mặt trời.
HTX cũng đang ứng dụng hiệu quả mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, sử dụng sổ điện tử, truy xuất nguồn gốc… Qua đó giúp thành viên nắm chắc quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, kịp thời điều chỉnh việc phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Với nhiều biện pháp canh tác hiện đại được triển khai đồng bộ, HTX không chỉ giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất và giảm công lao động, mà còn giúp nâng cao năng suất, với sản lượng lúa thu hoạch đạt trên 5,3 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha so biện pháp canh tác thông thường.
Đặc biệt, lúa của HTX với chất lượng vượt trội được nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, công ty CP Giống cây trồng miền Nam,… ký kết hợp đồng bao tiêu, góp phần gia tăng thu nhập cho 108 thành viên và nông dân liên kết ngay cả những lúc thị trường biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Tiến Lộc, thành viên liên kết của HTX, chia sẻ cái lợi lớn nhất của mô hình cánh đồng tiên tiến không chỉ là lợi nhuận được đảm bảo mà là giá trị về môi trường. Việc sử dụng thiết bị bay, năng lượng mặt trời giúp nông dân giảm thiểu tối đa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm nước tưới.
“Để đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chúng tôi ứng dụng công nghệ mới, loại bỏ hoàn toàn hóa chất, sử dụng chế phẩm sinh học… tạo ra những sản phẩm hữu cơ, thân thiện môi trường, vừa đẹp vừa an toàn. Ứng dụng công nghệ cũng tiết kiệm công lao động, làm nông nhàn hơn hẳn”, ông Lộc bộc bạch.
Ứng dụng công nghệ cao giúp HTX Mỹ Đông 2 nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng biến đổi khi hậu. |
Thực tế, trải qua thời gian dài với nhiều biến động từ ứng phó dịch bệnh Covid-19, chi phí logistics tăng cao, giá nhiên liệu, phân bón leo thang…, các HTX ngày hiểu rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong việc sản xuất, kinh doanh.
Điển hình như tại Bình Thuận, các HTX nông nghiệp đang được các địa phương tăng cường hỗ trợ kết nối chuyển đổi số trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Cụ thể như Hội Nông dân Bình Thuận đã ký kết thỏa thuận với Bưu điện tỉnh Bình Thuận phối hợp rà soát, đưa thông tin của 12.000 hộ sản xuất nông nghiệp thuộc các HTX trên địa bàn tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Agri-postmart.vn...
Thêm động lực để tăng vị thế
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các hộ nông dân chuyển đổi số, việc xác định vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản là cách để tăng niềm tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế đối với nông sản Việt Nam.
Chính vì vậy, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều chính sách để nhanh chóng cấp mã vùng trồng cho nông sản HTX. Theo đó, các địa phương chú trọng vào tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn, thân thiện môi trường.
Trong đó, tỉnh Tiền Giang là một điển hình với nhiều nỗ lực trong việc cấp mã vùng trồng, cũng như thu hồi, tiêu hủy đối với những vùng trồng vi phạm các quy định về sản xuất.
Ước tính 3 năm qua, Tiền Giang có gần 300 mã số vùng trồng đã được cấp, với tổng diện tích trên 19.000 ha. Trong đó, có 127 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cùng với đó là các mã số vùng trồng được cấp sang các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…
Theo chuyên gia, các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá thiết lập và giám sát mã số vùng trồng theo từng tháng. Đồng thời, tuyên truyền để nông dân, HTX hiểu được vai trò và tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong sản xuất bền vững trong thời gian tới.
Có thể thấy, HTX nông nghiệp đang cho thấy vai trò chủ lực trong hỗ trợ, dẫn dắt phát triển kinh tế hộ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phát triển nông nghiệp. Các HTX cũng là “cầu nối” tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ về đào tạo nhân lực, đất đai, tín dụng, thị trường, phát triển hạ tầng…
Do đó, để thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực, các bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm, phát triển đa dạng các mô hình HTX nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, kết nối HTX theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Các tỉnh cần ưu tiên phát triển các HTX ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các HTX có quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản…
Khi các nguồn lực hỗ trợ được thực hiện nhanh, mạnh và hiệu quả, cộng với sự nỗ lực của từng đơn vị sẽ mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho lĩnh vực kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là các HTX bứt phá mạnh mẽ, cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường.
Nhật Minh