Cam sành Hàm Yên được xây dựng thương hiệu từ năm 2007 nhưng đầu ra cho quả cam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh… Sự ra đời của những HTX sản xuất và tiêu thụ cam sành Hàm Yên theo hướng an toàn hay hữu cơ vi sinh đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững loại trái cây đặc sản của vùng đất Hàm Yên.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tập quán đã, đang gây lãng phí và làm tăng khá cao chi phí sản xuất. Không những thế, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều còn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hiệu quả trừ sâu bệnh thấp.
Sản xuất an toàn
Từ việc tham gia các lớp tập huấn về sản xuất bền vững do địa phương hay các HTX tổ chức, hiện nay, người dân huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV độc hại.
Nhiều hộ đã biết cách sử dụng thuốc BVTV an toàn. Lợi ích từ việc này không chỉ dừng lại ở tăng năng suất, chất lượng mà còn giúp người dân bảo vệ chính mình và môi trường sống xung quanh.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Lưu (xã Phù Lưu) hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp cam sành Hàm Yên có thị trường vững chắc. Nếu trước kia, cứ đến đợt phun thuốc trừ sâu cho cây cam, các thành viên chỉ làm theo thói quen, thì nay, họ đã thay đổi nhận thức bằng việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng bệnh).
Các thành viên đã thường xuyên kiểm tra tình hình dịch hại trên cây cam để quyết định có cần dùng thuốc hay không. Nếu không dựa vào tình hình dịch hại trên cây mà vẫn phun thuốc định kỳ nhiều lần như trước sẽ gây lãng phí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng kháng thuốc.
Đến nay, các thành viên không chỉ thay đổi nhận thức, tư duy mà còn vận dụng thành công các kiến thức sản xuất an toàn, hiện đại để cho ra những quả cam chất lượng. Thành viên, người dân tự giác bỏ vỏ bao bì thuốc BVTV vào thùng chứa theo quy định.
Anh Vi Văn Quyết, thành viên HTX, cho biết trước đây, bà con thường vứt vỏ thuốc BVTV bừa bãi, ảnh hưởng đến sinh hoạt và môi trường. Từ khi vào HTX, vùng trồng cam của thành viên được cấp mã số vùng trồng, 100% thành viên và người dân thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV. Vỏ bao thuốc sau sử dụng đã được thu gom đúng quy định. Môi trường cũng được giữ gìn trong sạch.
Người dân Hàm Yên chọn những quả cam đạt tiêu chuẩn thu hoạch bán cho các siêu thị ở thành phố Hà Nội. |
Giảm 30% chi phí
Đến nay, toàn bộ diện tích cam của HTX (10 ha) đã đạt chứng nhận sản xuất an toàn và đủ điều kiện xuất vào các siêu thị lớn như Big C, Co.opMart, MM Mega Market… với số lượng gần 2000 tấn mỗi năm.
Mô hình trồng cam hữu cơ của HTX Phát triển cam hữu cơ vi sinh Hàm Yên trong thời gian qua đã góp phần mang lại những hiệu quả thiết thực về kinh tế và môi trường.
Trên diện tích trồng cam của HTX trước đây người dân không dùng phân hữu cơ mà sử dụng quá nhiều thuốc BVTV, thuốc kích thích làm cho đất thoái hóa biến giảm độ tơi xốp tầng mặt, độ chua tăng cao.
Cây cam vì thế mà lá mỏng, nhiều cành khô xuất hiện, sâu bệnh gây hại bùng phát, ít quả, quả nhỏ, độ đường thấp, vỏ quả sần sùi, rất khó tiêu thụ trên thị trường.
Để nâng cao chất lượng và thương hiệu quả cam sành Hàm Yên, HTX đã chủ động và ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phân rơm, phân chuồng, bã mía trộn với trichoderma để ủ, bón cho cây 3-4 lần trong năm.
Ngoài ra, để hạn chế sử dụng thuốc hóa học, khi diệt cỏ thay vì dùng thuốc BVTV, các thành viên dùng dao để làm cỏ rồi phủ lên các gốc cây trong vườn để giữ ẩm và tạo thành phân cho cây khi cỏ phân hủy.
Hiệu quả từ việc dùng phân hữu cơ ngoài tạo cho đất trồng luôn được tơi xốp, dễ thoát nước còn hạn chế tối đa hiện tượng úng rễ trong mùa mưa lũ, giúp thành viên giảm hơn 30% chi phí đầu tư so với cách trồng dùng phân vô cơ thông thường.
Hiện nay, diện tích trồng cam ở Hàm Yên chiếm diện tích khá lớn và phức tạp. Việc các HTX trồng cam bằng phân hữu cơ hay sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đúng liều lượng… góp phần nâng cao hiệu quả canh tác, phát triển thương hiệu cam Hàm Yên cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
Như Yến