Là HTX nông nghiệp nằm ở phía bắc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, năm 2015, HTX Đức Xá thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của HTX mang lại hiệu quả tích cực.
Mô hình lúa hữu cơ Ong biển
Nhiều dịch vụ mới được hình thành, lợi ích kinh tế thành viên được phát huy, vai trò hỗ trợ của HTX cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hỗ trợ an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để bảo đảm hoạt động đúng Luật, HTX từng bước củng cố tổ chức, thay đổi phương thức dịch vụ nhằm phục vụ các thành viên tốt hơn. Đến nay, HTX có 215 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích 468 ha đất, bao gồm đất trồng lúa, trồng màu, cao su và đất nuôi trồng thủy sản.
Trong sản xuất lúa, HTX đã làm tốt công tác vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, từ đó tạo điều kiện để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, dễ áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX đã đề ra phương hướng, kế hoạch SX-KD tập trung theo hình thức “trọn gói”.
Theo đó, ngay từ đầu vụ, HTX đã đứng ra cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức xuống giống và chăm bón tập trung. Đến cuối vụ, HTX liên kết với các DN để thu mua nông sản cho các thành viên. Với cách làm này, chi phí cho sản xuất giảm 10 - 15%, giá cả đầu ra lại bảo đảm ổn định và cao hơn thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Thêm vào đó, việc chú trọng phát triển liên kết cánh đồng lúa giống, lúa sạch đã mang lại hiệu quả gấp 2 - 3 lần so với sản xuất lúa thông thường. Vụ Đông Xuân 2017 - 2018 là vụ lúa thứ 2 HTX thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ - Ong biển với sự kết hợp sản xuất của 67 hộ nông dân trên diện tích 26 ha. Giống lúa được sử dụng là giống lúa thuần chất lượng cao RVT. Năng suất trung bình đạt 58 tạ/ha, cao hơn so với những vụ trước.
Trồng lúa hữu cơ cho năng suất trung bình đạt 58 tạ/ha |
Mở rộng dịch vụ nông nghiệp
Trong quá trình chăm bón, HTX yêu cầu thành viên không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nào mà chỉ sử dụng một loại phân bón duy nhất là phân hữu cơ Ong biển.
Chi phí giảm, năng suất ổn định cộng thêm giá thu mua cao nên mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân. Đây cũng là mô hình trồng lúa hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh với sự liên kết của 4 nhà.
Điểm nổi bật trong hoạt động của HTX Đức Xá là không ngừng củng cố và mở rộng các loại hình dịch vụ nông nghiệp.
Bên cạnh các dịch vụ truyền thống như dịch vụ phân bón, giống cây trồng, HTX đã mở thêm các dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của thành viên như dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, tín dụng nội bộ, quản lý chợ nông thôn.
Năm 2018, HTX liên kết với công ty Nasaco tổ chức dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi đạt 5 tấn/tháng; doanh thu ước tính 300 triệu/ năm. Đối với dịch vụ tín dụng nội bộ, đây là khâu dịch vụ vừa thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong thành viên, vừa tạo nguồn vốn cho HTX và thành viên.
HTX đã huy động tiền gửi và giải quyết cho người dân vay 4,4 tỷ đồng đầu tư mua sắm máy nông nghiệp làm đất, vận chuyển, gặt tuốt, xay xát chế biến…
Thu nhập mà dịch vụ này mang lại đạt gần 100 triệu đồng/năm. HTX cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị thực hiện dịch vụ quản lý chợ nông thôn.
Là dịch vụ mới nhưng nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất cao của các thành viên, qua đó, bảo đảm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Hà Xuyên