Trồng lúa hữu cơ vừa thu hút được doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường |
Điều đặc biệt là mô hình sản xuất của HTX giúp người dân không phải chuyển đổi diện tích cây trồng mà chỉ tiếp tục phát triển trồng lúa nhưng theo quy trình mới với đầy đủ khoa học kĩ thuật tiên tiến và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích lớn.
Hỗ trợ nông dân sản xuất
Hiện nay, HTX 26 tháng 3 được xem là đơn vị kinh tế tập thể hoạt động bài bản ở huyện. Điểm hấp dẫn khi tham gia HTX là người dân được hỗ trợ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất.
Về đầu ra, thành viên không phải lo vì đã có HTX đứng ra làm đại lí thu mua cho doanh nghiệp. Người dân được hướng dẫn kĩ thuật sản xuất nhằm giảm giá thành thấp nhất, tăng hiệu quả cao nhất…
Còn về cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, thành viên được mua phân bón uy tín với giá của đại lí cấp một và thực hiện theo hình thức trả chậm. Mỗi thành viên còn được HTX cho ứng trước 500.000 đồng để đầu tư khâu làm đất. Nhờ đó, người dân hoàn toàn chủ động trong quá trình sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Sanh- thành viên HTX, cho biết: Lúc trước, việc sản xuất của gia đình không thuận tiện như bây giờ. Hiện, nông dân chúng tôi được HTX cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV không tính lãi suất và được cho nợ tới mùa nên chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào.
Hiện nay, thông qua HTX, nhiều nông dân trên địa bàn xã đã đứng ra cho HTX thuê đất với giá 15 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, doanh nghiệp (Công ty CP Organic Xuân Lộc) còn thuê người nông dân trồng lúa. Chính vì vậy, lợi nhuận trong sản xuất đã tăng lên nhiều lần so với phương pháp nông dân tự trồng và bán sản phẩm như trước.
Điều quan trọng là việc liên kết này đã tạo thành chuỗi liên kết chặt chẽ, trong đó HTX đứng ra làm cầu nối người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, giá trị hạt gạo cũng như thu nhập cho bà con được nâng cao.
Điều đặc biệt là khi tham gia chuỗi sản xuất này, buộc bà con phải thực hiện theo những nguyên tắc nhất định để bảo đảm lợi ích giữa các bên.
Các thành viên và người dân phải tuân thủ nghiêm các phương pháp sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện với môi trường như: “3 giảm, 3 tăng”, tiết kiệm nước, “1 phải, 5 giảm”.
Nhờ tuân thủ các bước canh tác và sử dụng thuốc, phân bón hợp lý, năng suất lúa do HTX quản lí luôn đạt trên 8 tạ/sào, chất lượng gạo được doanh nghiệp đánh giá tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư giảm gần 1/3 so với trước.
Theo các thành viên HTX, nhờ ứng dụng khoa học kĩ thuật đã đem lại cho bà con nông dân nhiều kinh nghiệm quý báu vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao lại góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sinh thái. Nếu không thực hiện các quy định, người dân sẽ phải bồi thường hợp đồng, Chính vì vậy, cẩn thận và thực hiện đúng từng bước là cách giúp bà con “kiếm lời”.
“Giờ đây, các kênh, mương và ngay trong ruộng cũng vẫn còn cá, tôm. Các sinh vật khác như ếch nhái vẫn có môi trường để sinh sống và mang lại lợi ích nhất định cho người nông dân, không giống như môi trường trước đây. Đây là cơ sở để bà con tiếp tục thực hiện sản xuất theo mô hình sạch để nâng cao hiệu quả, thu nhập từ cây lúa”-anh Nguyễn Văn Sanh cho biết.
Một trong những thay đổi quan trọng trong quy trình canh tác cây lúa của HTX là việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, các thành viên và người dân đã đưa các loại máy cày, máy kéo, máy gặt đập hỗn hợp thay thế sức người. Nhờ đó, áp lực công lao động trong thời điểm thu hoạch rộ không còn, lại hạn chế thất thoát trong khâu thu hoạch và tiết kiệm chi phí, thời gian làm đất và thu hoạch cũng được rút ngắn, đảm bảo lịch thời vụ và tăng hệ số vòng quay đất.
Với những hiệu quả mà cây lúa mang lại và những điều kiện phát triển thuận lợi, tin rằng các thành viên và người dân ngày càng thêm gắn bó với cây lúa và có thể yên tâm ổn định sản xuất trên chính diện tích của mình.
Như Yến