Theo Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, kể từ năm 2015 đến nay, huyện đã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng và nhân rộng mô hình mẫu nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, với sự tham gia tích cực từ các HTX, tổ hợp tác.
Ấn tượng từ các HTX
Thống kê cho thấy, toàn huyện Nông Sơn hiện có 21 tổ hợp tác, 9 HTX, trong đó một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao như HTX Nông nghiệp Quế Lâm, HTX Nông nghiệp - du lịch Đại Bình xã Quế Trung, Tổ hợp tác làm đất thôn Tân Phong xã Quế Lộc…
Các HTX đang là lá cờ đầu trong phát triển nông nghiệp sạch huyện Nông Sơn (Ảnh TL). |
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp - dịch vụ Đại Bình được xem là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Nông Sơn, mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường cho nông dân.
Hiện, vùng trồng rau sạch của HTX được quy hoạch trên diện tích 3.000m2, được dự án phi chính phủ hỗ trợ 3 giếng khoan, lưới, giàn che, phục vụ sản xuất theo hướng an toàn sinh thái. Đến nay, nhiều mẫu rau của HTX Đại Bình được cấp chứng nhận VietGAP như rau sen, xà lách, mồng tơi…
Ông Hoàng Văn Tân, hộ liên kết của HTX Đại Bình chia sẻ: “Được cán bộ HTX chuyển giao kỹ thuật, gia đình tôi triển khai hiệu quả mô hình trồng rau sạch, nói không với hóa chất độc hại, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Điển hình, trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ông Tân áp dụng nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian. Các hộ thành viên HTX cũng được hướng dẫn chế biến các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ tỏi, ớt, gừng… thân thiện môi trường sinh thái.
Hay trong việc sử dụng phân bón, tình trạng lạm dụng phân hóa học được thành viên HTX Đại Bình loại bỏ hoàn toàn và ưu tiên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ. Từ đó, hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tăng giá trị sản phẩm từ 15 – 30%.
Được biết, để có được thành công trên, liên tục trong những năm qua, HTX đã chủ động liên kết với một số hộ chuyển đổi đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng rau VietGAP, tạo sản phẩm du lịch, đưa sản phẩm vào siêu thị. Ngoài ra, HTX còn chủ động đầu tư thêm dịch vụ câu cá, khu ẩm thực nhỏ tại ao sen đón tiếp khách.
Hiện, HTX Đại Bình đẩy nhanh tiến độ đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, thiết kế bao bì cho sản phẩm dầu phụng Đại Bình.
Phát huy thế mạnh sẵn có
Bên cạnh phát huy hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, huyện Nông Sơn đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình mẫu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Cần thêm nguồn lực hỗ trợ để nông nghiệp Nông Sơn tiếp đà phát triển bền vững (Ảnh TL). |
Điển hình, mô hình nuôi 120 con bò sinh sản, bò vỗ béo 3B của ông Võ Thanh An (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông An cho biết, trước đây, gia đình trồng keo kết hợp chăn nuôi bò bản địa theo hướng thả rông nhưng không hiệu quả, lại gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian tìm hiểu, ông quyết định chuyển sang mô hình nuôi bò Úc sinh sản, bò vỗ béo 3B.
Năm 2019, ông An đầu tư 600 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 1.000m², gồm 2 chuồng nuôi bò sinh sản, 1 chuồng nuôi bò hậu bị, 1 chuồng nuôi bò vỗ béo. Để có nguồn thức ăn cho bò, ông An trồng 4ha cỏ xen dưới rừng gỗ lớn, trang bị hệ thống tưới nước tự động và 1 máy băm cỏ trị giá 30 triệu đồng.
Đặc biệt, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khối lượng chất thải từ trang trại được ông An áp dụng công nghệ mới để xử lý chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trùn quế. Lượng chất thải sau khi xử lý được sử dụng để trồng rau sạch, hoa lan và được bán với giá 40.000 đồng/kg. Hiện, trang trại của ông An nuôi trùn quế với diện tích 100m² và sẽ mở rộng để có thể xử lý hết khối lượng phân thải từ chăn nuôi.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, để nâng cao giá trị nông sản, huyện sẽ chú trọng khai thác tốt lợi thế của từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang giá trị đặc trưng của địa phương.
Huyện cũng tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng những loại cây ăn quả đặc trưng, hiệu quả kinh tế cao như bưởi trụ Đại Bình, sầu riêng, hường, măng cụt…
Đồng thời, huyện sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hỗ trợ nhân dân cải tạo, chỉnh trang vườn tược gắn với phát triển du lịch, góp phần tăng giá trị và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
Lệ Chi