Với các giải pháp thúc đẩy toàn diện từ đào tạo nhân lực đến chuyển giao khoa học – công nghệ, xây dựng thị trường… huyện Cẩm Khê đã xây dựng thành công nhiều cơ sở chăn nuôi được đầu tư quy mô theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, trong đó có nhiều HTX chăn nuôi lớn mạnh.
Thay đổi phương thức sản xuất
Dấu ấn lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi của huyện Cẩm Khê những năm qua là sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân và quy mô của các trang trại ngày càng được nâng lên.
Theo thống kê, toàn huyện Cẩm Khê hiện có trên 30 mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật hiện đại, mang lại giá trị cao về kinh tế và môi trường sinh thái.
Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh thái đang phát triển mạnh ở Cẩm Khê (Ảnh TL). |
Đơn cử, trang trại gà đồi Phú Khê của anh Nguyễn Thành Nhân, xã Phú Khê được chăn nuôi theo quy trình khép kín với quy mô hơn 20.000 con/lứa.
Được sự tư vấn của cán bộ nông nghiệp địa phương, anh Nhân đã áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó hệ thống chuồng trại được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, điều hòa nhiệt độ…
Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh, anh Nguyễn Thành Nhân đã đứng ra thành lập HTX chăn nuôi gà đồi Phú Khê với 10 thành viên. Hàng năm, HTX xuất bán ra thị trường trên 500 tấn gà.
100% thành viên HTX được trang bị kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Trong quá trình chăn nuôi, HTX sử dụng các loại thức ăn trong danh mục cho phép, chất thải chăn nuôi được thu gom, ủ bán cho các cơ sở trồng trọt nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
HTX Phú Khê cũng sử dụng đệm lót sinh học để tạo ra môi trường sống tốt nhất cho vật nuôi, đồng thời hạn chế mùi hôi, giảm lượng chất thải ngấm ra môi trường đất, nước.
Ngoài ra, thành viên HTX thường xuyên khử trùng trang trại bằng vôi bột, hoạt chất vi sinh để giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: “Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi từ giống đầu vào, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải đúng quy định để bảo vệ môi trường sinh thái, HTX còn tổ chức tiêm phòng và bổ sung vitamin, dưỡng chất cho đàn gà tăng thêm sức đề kháng, nâng cao giá trị sản xuất”.
Hiệu quả liên tục gia tăng
Việc thay đổi phương thức sản xuất theo hướng quy mô lớn, tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật giúp các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn huyện Cẩm Khê ngày càng gia tăng.
Bên cạnh HTX Phú Khê, HTX chăn nuôi và sản xuất Quốc Anh, xã Thụy Liễu cũng đang là mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn huyện Cẩm Khê, với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hiện tại, HTX Quốc Anh đang phát triển mô hình nuôi chim bồ câu khép kín, theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm quốc gia.
Nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng tăng (Ảnh TL). |
Để nâng cao hiệu quả, HTX Quốc Anh đã đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô lớn, cơ sở vật chất hiện đại, có hệ thống xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình chăn nuôi, thành viên HTX sử dụng thức ăn chăn nuôi hữu cơ, thân thiện môi trường, tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ.
Nhờ chăn nuôi khoa học, đàn chim của HTX phát triển mạnh, từ 700 cặp ban đầu, đến nay, số lượng đã lên đến 7.500 cặp chim bố mẹ. Ngoài bán bồ câu thương phẩm, HTX còn cung cấp cho các chủ trang trại trong và ngoài tỉnh trên 3.000 cặp chim giống mỗi năm.
Với hoạt động hiệu quả, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động địa phương với mức lương bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả của các mô hình sản xuất hiện tại, đặc biệt là các HTX đang cho thấy tiềm năng rất lớn của mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở Cẩm Khê. Vì vậy, huyện dự kiến tiếp tục mở rộng mô hình.
Đại diện UBND huyện Cẩm Khê cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, đầu tư để nhân rộng các mô hình điểm, nâng cao vai trò của các HTX trong việc liên kết, hình thành các mô hình chăn nuôi theo chuỗi.
Huyện cũng đẩy mạnh quảng bá, tiến tới xây dựng thương hiệu gà Cẩm Khê, để từ đó thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ HTX, doanh nghiệp, mở rộng thị trường, ổn định giá bán, nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi.
Hưng Nguyên