Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, khâu liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, các ban, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình luôn đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, nhằm tạo "điểm tựa" cho nông dân, hình thành các chuỗi sản xuất.
Vai trò đậm nét của HTX
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Bình hiện có trên 520.000 thành viên tham gia HTX và tổ hợp tác. Các HTX thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khu vực kinh tế hợp tác của tỉnh với hơn 320 đơn vị.
Hiện tại, trên 80% HTX nông nghiệp của tỉnh có tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Tổng diện tích gieo trồng có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm khoảng 10.000 ha.
Các HTX đang có đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp sạch tại tỉnh Thái Bình (Ảnh: TL). |
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà là một trong những HTX điểm của tỉnh. Hiện, HTX đang tiến hành liên kết với 10 doanh nghiệp tiêu thụ 12 - 15 loại nông sản. Tham gia vào mô hình của HTX, người nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, yên tâm đầu tư sản xuất bởi đã có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Bà Lê Thị Dịu - thành viên liên kết của HTX chia sẻ, nhờ có liên kết trong sản xuất, giá trị nông sản của nông dân làm ra ngày càng được nâng lên, không còn lo bị thương lái ép giá.
“Thay đổi lớn nhất là cách làm khi canh tác. Với sự đồng hành của HTX, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón được loại bỏ hoàn toàn. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái”, bà Dịu nhấn mạnh.
Cũng giống như HTX Điệp Nông, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định, huyện Kiến Xương cũng có được những thành công đáng kể trong sản xuất "xanh".
Xác định liên kết sản xuất và phát triển nông sản theo hướng sạch là “chìa khóa” thành công, những năm qua, HTX đã chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.
Anh Phùng Thanh Tùng - thành viên liên kết của HTX cho biết, khi tham gia HTX, nông dân được hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp với giá thấp hơn 15 - 30%. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn sinh thái, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí...
Tiếp tục chuyển mình
Để nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới và xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu cho nông sản.
Thái Bình dự kiến tiếp tục thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái (Ảnh: TL). |
Cùng với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, tỉnh dự kiến thúc đẩy thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm phát triển ngành trồng trọt theo chiều sâu, có quy mô lớn để tăng giá trị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật như chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn VietGAP, liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, hướng tới xuất khẩu.
Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh sẽ phát triển nuôi trồng theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung.
Nhật Minh