Xác định vai trò của mô hình kinh tế tập thể, Long Phú tích cực tập trung lực lượng, cùng cổ phát triển các HTX, tổ hợp tác theo mô hình Luật HTX 2012 để các HTX, tổ hợp tác có thể gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Gắn kết sản xuất
Với hoạt động chính là trồng lúa, HTX Hưng Lợi (xã Long Đức) được thành lập năm 2017, có 538 thành viên tham gia, diện tích sản xuất lúa hơn 608ha, tổng vốn điều lệ trên 122 triệu đồng.
Tham gia HTX, thành viên được hỗ trợ 30% giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và được bao tiêu sản phẩm. Với vai trò bà đỡ, HTX đã từng bước giúp thành viên sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành viên.
HTX đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ lúa với giá cao hơn bên ngoài, từ đó giúp thành viên tăng được lợi nhuận, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm, nên mọi người rất phấn khởi.
Từ khi vào HTX, ông Huỳnh Văn Dai ở ấp An Hưng, xã Long Đức được dự các lớp tập huấn sản xuất lúa và ông đã áp dụng thành công trên đồng ruộng của mình, ông Dai chia sẻ: “Vào HTX tôi được tập huấn nhiều kỹ thuật trồng lúa trong đó có chương trình “3 giảm, 3 tăng” giúp giảm được lượng phân, giống, thuốc. Nông dân bên ngoài HTX, mỗi công lời 1 triệu, còn tôi lời từ 1 đến 2 triệu đồng, hiệu quả rất rõ ràng”.
Sản xuất "3 giảm, 3 tăng” giúp bảo vệ môi trường |
Trong năm 2018, Long Phú thành lập mới được 5 HTX nông nghiệp, với 161 thành viên, nâng tổng số toàn huyện có 12 HTX, với 865 thành viên, vốn điều lệ trên 891 triệu đồng, và diện tích đất canh tác trên 1.248 ha. Bên cạnh đó, huyện còn có 60 tổ hợp tác, với 1.451 thành viên đang tích cực sản xuất theo hướng khoa học, ứng dụng kỹ thuật và liên kết sản xuất theo chuỗi.
Hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã bước đầu giải quyết được nhu cầu cấp thiết của người dân, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá, giúp nông dân an tâm sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
An toàn, vệ sinh
Điều đặc biệt là các mô hình sản xuất tập thể này đều nâng cao ý thức và bảo vệ môi trường. Ngoài áp dụng sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng chuẩn VietGAP, cánh đồng sinh thái… các tổ hợp tác, HTX còn liên kết với các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ở các địa phương sản xuất nông nghiệp.
Tại HTX Nông nghiệp Phát Đạt được nhận chứng nhận VietGAP với diện tích trồng màu là 11,55 ha, bao gồm các loại sản phẩm: dưa leo, bầu, bí, ớt, cà chua, cải bẹ dưa, xà lách. Để có kết quả trên, ngoài áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong trồng trọt, HTX còn hướng dẫn thành viên, người dân thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Thu gom vỏ thuốc bảo vệ giúp cải thiện môi trường và năng suất |
Trên diện tích sản xuất, HTX đã lắp đặt bể thu gom vỏ thuốc BVTV tại nơi có đường giao thông thuận lợi. Nhiều hộ dân là thành viên HTX chia sẻ, trước đây, khi chưa có điểm thu gom, nhiều nông dân không biết để vỏ bao thuốc BVTV ở đâu. Vì mang về nhà đốt không được nên đành vứt xuống kênh mương. Nay có điểm thu gom nên bà con bỏ vào bể để bảo đảm an toàn cho con người, vật nuôi và bảo vệ môi trường.
Theo ước tính lượng vỏ thuốc BVTV mỗi năm HTX thu được khoảng 800 kg. Nếu không được thu gom thì lượng rác này rất nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống ở vùng nông thôn.
Theo Ban Giám đốc HTX, từ mô hình này hy vọng người dân sẽ ngày càng nâng cao ý thức trong việc bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định, từ đó nhân rộng ra tại địa phương lân cận, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Không chỉ HTX Phát Đạt, theo ghi nhận của chính quyền địa phương, hiện các HTX giống số 1, Thành Công, HTX Hưng Lợi… cũng đều là những mô hình sản xuất tiêu biểu khi đề cao yếu tố bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi.
Sự vào cuộc của các HTX là phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Sản xuất sạch, bền vững còn góp phần tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, tạo nền tảng phát triển vùng nông nghiệp an toàn, chất lượng cao cho tỉnh nhà.
Huyền Trang