Hiện nay, các mô hình chăn nuôi tại Vũ Thư phát triển theo ba hình thức chính là chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, chăn nuôi theo mô hình Tổ hợp tác-HTX.
Sạch trong chăn nuôi
Mô hình chăn nuôi bò của ông Văn Cường, xã Vũ Hội là một trong những ví dụ điển hình trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.Với số lượng 40 con bò, ông Hội được Trạm chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư hỗ trợ áp dụng cách chăn nuôi bằng đệm lót sinh học.
Đệm lót sinh học được làm bằng trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa, lõi ngô,... với độ dày đệm lót 30 - 40 cm. Gia đình đã sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu, đậy kín mặt bằng bằng bạt hoặc nilong trong 1 tuần để đệm lót lên men vi sinh. Sau đó thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường.
![]() |
Đệm sinh học được nhiều hộ dân ứng dụng trong chăn nuôi |
Nuôi bò theo mô hình ứng dụng đệm lót sinh học giúp gia đình ông Cường tiết kiệm được nước, thuốc thú y cũng như nhân lực bởi người chăn nuôi không cần dùng nước để rửa chuồng, nước chỉ được dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng. Cạnh đó, trong đệm lót chứa các vi sinh nên giảm được mùi hôi, bảo đảm thời gian chuyển hóa phân bò trong thời gian hợp lý để trở thành nguồn phân bón hữu ích.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi bò sử dụng đệm lót sinh học được phát triển rộng rãi. Riêng tại xã Vũ Hội, đã có hàng chục hộ chăn nuôi với quy mô 40-50 con bò và đã chú trọng sử dụng đệm lót sinh học nhằm bảo đảm môi trường chăn nuôi.
Không chỉ phát triển chăn nuôi bò, nhiều vật nuôi khác cũng thu hút được người dân Vũ Thư. Những năm gần đây, xã Xuân Hòa hiện có 6 trang trại, 63 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Hà Văn Cường, Quyền Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã luôn xác định phát triển chăn nuôi gắn với BVMT. Một trong những giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng các hầm biogas, ủ phân hữu cơ… nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, việc triển khai các khu tập trung chăn nuôi xa khu dân cư được xã quyết liệt thực hiện. Để tạo ra sự đồng thuận, ngoài tuyên truyền, xã còn đẩy mạnh các cuộc họp công khai, tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Xuan Hòa cũng tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo quy mô lớn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Chung tay BVMT
Không chỉ các trang trại, gia trại chú trọng bảo vệ môi trường chăn nuôi mà các HTX ở huyện Vũ Thư cũng đóng góp tích cực vào vấn đề này. Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, Vũ Thư hiện có 41 HTX nông nghiệp, thu hút 61.604 hộ gia đình đăng ký tham gia làm thành viên(chiếm 97, 86% tổng số hộ toàn huyện). Đây là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu HTX Nguyên Xá. Để đáp ứng yêu cầu thời vụ khẩn trương tăng vòng quay của đất 3 vụ/năm, và giải phóng sức lao động, HTX đã mua 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy cày đa năng. Từ đó khuyến khích 8 hộ chung nhau mua thêm 2 máy gặt đập, 3 máy cày đa năng công suất 25-35 CV, đưa tổng số máy gặt, máy cày đa năng toàn xã lên 9 chiếc, chưa tính 30 máy cày tay 8-10 mã lực. HTX cũng mua máy cắt cỏ, hướng dẫn bà con sản xuất bền vững, sử dụng phân-thuốc bảo đảm chất lượng nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe.
![]() |
Cơ giới hóa góp phần bảo vệ môi trường |
Tại Vũ Thư hiện có 41 HTX làm dịch vụ thủy nông, thủy lợi nội đồng; 41 HTX làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 41 HTX làm dịch vụ khoa học kỹ thuật; 25 HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp; 9 HTX làm dịch vụ kho lạnh; 15 HTX làm dịch vụ sản xuất lúa thương phẩm; 3 HTX làm dịch vụ máy nông nghiệp như: làm đất, máy cấy, máy gặt; 6 HTX làm dịch vụ đánh chuột.
Các HTX này đều chú trọng đến yếu tố bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường. Nhiều HTX đã tổ chức liên kết với công ty cổ phần chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương tiêu thụ nông sản vụ đông như: ngô ngọt, bí đỏ, khoai tây, ớt như HTX NN Vũ Phong, Vũ Hồng, Song Lãng, Vũ Đoài,... để sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước thực hiện tốt công tác môi trường tại các địa phương.
Huyền Trang