Hùng Mỹ là xã vùng cao, đất nông nghiệp không nhiều, bị chia cắt nên người dân nơi đây tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm... đặc biệt là chăn nuôi lợn đen với tổng đàn hơn 1.000 con. Mô hình đang cho thất hiệu quả tích cực, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục hộ dân.
Chăn nuôi sạch, quy trình khép kín
Anh Quan Văn Tường, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xã Hùng Mỹ, cho biết gia đình anh đang nuôi 3 lợn nái và 30 con lợn thịt. Để nâng cao hiệu quả, anh tiến hành xây trụ quây lưới thép 400 m2 chăn nuôi lợn theo hướng bán chăn thả.
Mô hình chăn nuôi lợn đen xã Hùng Mỹ đang được định hướng theo hướng an toàn sinh học (Ảnh TL). |
Chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả đòi hỏi gia đình anh Tường cần có khuôn viên xung quanh chuồng thoáng mát, thích hợp cho đàn lợn vận động.
Thức ăn chăn nuôi là các loại cám thân thiện môi trường, được chế biến từ lá rau, cỏ rừng và chuối. Có thể nấu thêm ngô để cho ăn từ 1 đến 2 bữa/ngày.
“Việc chăn nuôi bằng cám tự nhiên giúp thịt lợn đen chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy như lợn trắng, vì vậy lợn đen luôn được khách hàng quen thuộc đặt mua ngay từ đầu năm. Thông thường lợn đen được nuôi trong 8 – 12 tháng, xuất bán vào dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán”, anh Tường chia sẻ.
Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên, thân thiện môi trường, việc xử lý chất thải cũng được gia đình anh Tường cùng các thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xã Hùng Mỹ chú trọng.
Theo đó, lượng chất thải chăn nuôi được các hộ đưa vào bể chứa, một phần được xử lý để xây hầm biogas, tạo chất đốt. Một phần được xử lý vi sinh thành phân chuồng ủ hoai phục vụ trồng trọt. Sau mỗi lần xuất chuồng, các hộ tiến hành rắc vôi bột để tiệt trùng, loại bỏ nguồn vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.
Bên cạnh đó, để tạo ra sản phẩm chất lượng, thành viên tổ hợp tác chăn nuôi xã Hùng Mỹ tuyệt đối không xử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, tiến hành tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ.
“Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn lợn nhà tôi phát triển ổn định, ít khi xảy ra dịch bệnh. Năm 2019, gia đình tôi thu về gần 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Năm nay, dự kiến đàn lợn sẽ cho lãi trên 100 triệu, vì giá lợn đang cao”, anh Quan Văn Tường phấn khởi nói.
Lan tỏa mô hình
Theo đại diện UBND xã Hùng Mỹ, phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa đang cho thấy sự phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương. Lợn đen chống chịu tốt với thời tiết giá lạnh, dịch bệnh, chất lượng thịt ngon nên khách hàng rất ưa chuộng.
Nhờ chăn nuôi sinh học, chất lượng thịt lợn đen có chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng (Ảnh TL). |
Khác với cách nuôi chăn thả trước kia, nhờ tham gia các lớp tập huấn, người dân đã làm chuồng trại quy củ, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, xử lý chất thải theo đúng quy định, qua đó mang lại những giá trị toàn diện cả về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thôn Cao Bình đang là vùng chăn nuôi lớn nhất của xã. Hiện, toàn thôn có 70/76 hộ chăn nuôi lợn đen, hộ nuôi ít thì 2 đến 3 con, hộ nhiều từ 10 đến 40 con. Giá thịt lợn đen luôn được duy trì ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg. Nhờ chăn nuôi lợn đen, nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo. Hiện thôn chỉ còn 29 hộ nghèo, giảm 11 hộ so với năm 2019.
Với những thành công đang có, xã Hùng Mỹ đặt mục tiêu phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen theo hướng hàng hóa nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho người dân.
Để thực hiện được mục tiêu này, xã đang tiếp tục tuyên truyền người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, tăng số lượng lợn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, những năm gần đây, từ các Chương trình 30a, 135, xã đã tập trung hỗ trợ người dân mua giống lợn đen chất lượng cao, mở các lớp tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ cho người dân, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen.
Mô hình chăn nuôi lợn đen hiện không chỉ phát huy hiệu quả ở Hùng Mỹ mà còn lan tỏa đến nhiều địa phương của huyện Chiêm Hóa, điển hình như Minh Quang, Phúc Sơn, Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Kiên Đài… Hiện tổng đàn lợn đen của huyện vào khoảng gần 10.000 con.
Hưng Nguyên