Mô hình của THT Bù Nho đang mang lại lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ |
Nuôi gà dưới tán cây
Tổ hợp tác (THT) Bù Nho được thành lập từ năm 2016, hiện có 11 thành viên. Hướng đến chăn nuôi an toàn, THT tổ chức chăn nuôi theo hướng trang trại, với khoảng sân vườn rộng để gà phát triển dưới tán cây điều và cao su.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, THT đặc biệt chú trọng xây dựng bộ quy tắc chăn nuôi gà an toàn theo hướng VietGAP, từ khâu chuẩn bị chuồng trại, sân vườn, khoa học – kỹ thuật, đến lựa chọn giống, nguồn thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh…
Anh Trần Văn Hải – thành viên THT Bù Nho, chia sẻ: “Tham gia vào THT, bên cạnh những kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi còn được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn, nâng cao ý thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm trong quá trình chăn nuôi”.
Đầu tiên, về khu vực chăn nuôi, hệ thống chuồng trại, khoảng không sân vườn phải được bố trí hợp lý, với các thiết bị phục vụ chăn nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của đàn gà.
Trong quá trình chăm sóc, các loại thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất khử trùng độc hại được loại bỏ hoàn toàn, xử lý vệ sinh chuồng trại được thực hiện đúng cách để giảm thiểu vi sinh vật gây bệnh cho gà, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi.
Các điều kiện về ATLĐ được THT siết chặt. Đơn cử, khi vệ sinh chuồng trại, người lao động phải trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ (ủng, găng tay, khẩu trang….) để tránh vi khuẩn gây bệnh hay các tai nạn ngoài ý muốn.
Khi tiến hành tiêm chủng phòng bệnh cho vật nuôi, các hộ thành viên được THT hướng dẫn kỹ thuật tiêm đúng cách nhằm tăng hiệu quả, đồng thời giảm thiểu tình trạng kim đâm vào tay, gây nhiễm trùng, mất ATLĐ.
THT đang đẩy mạnh hoàn thiện quy trình chăn nuôi hữu cơ |
Tạo việc làm, tăng thu nhập
Dưới sự dẫn dắt của THT, hoạt động chăn nuôi của các thành viên ngày càng ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, các quy định về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ được đảm bảo.
Anh Nguyễn Đình Sơn – thành viên THT, chia sẻ tham gia vào THT, các thành viên có nhiều “cái lợi”, trước hết là được hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ đầu vào (giống, thức ăn chăn nuôi…), sau đó là thị trường tiêu thụ.
“Được hỗ trợ toàn diện, mỗi năm tôi triển khai 4 – 5 lứa gà (mỗi lứa kép dài 3 tháng, tổ chức gối vụ), mỗi lứa hơn 2.000 con, doanh thu bình quân đạt trên 50 triệu đồng/lứa”, anh Sơn phấn khởi nói.
Cũng theo anh Sơn, ưu điểm của mô hình thả vườn theo hướng an toàn không chỉ là hiệu quả kinh tế vượt trội mà là những lợi ích về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
“Nếu trước đây, chúng tôi chăn nuôi tự do, chuồng trại lúc nào cũng hôi hám, thì nay khâu vệ sinh được đảm bảo, nguồn chất thải gà được xử lý vi sinh đúng cách, tình trạng ô nhiễm được giảm thiểu, qua đó sức khỏe được nâng lên, các bệnh nghề nghiệp (ho, sâu móng tay, khô da…) cũng không còn”, anh Sơn nhấn mạnh.
Theo THT, để có được thành công hiện tại, các thành viên đã tích cực tham gia các khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật do địa phương tổ chức. Sau các khóa học, các kỹ thuật mới được thành viên nghiêm túc thực hiện, ý thức về ATLĐ cũng từng bước được nâng lên.
ATLĐ, vệ sinh thực phẩm đảm bảo, chất lượng vượt trội giúp các sản phẩm của THT có chỗ đứng ngày càng vững trên thị trường. Sắp tới, THT đang hướng tới hoàn thiện quy trình nuôi gà thả vườn theo hướng hữu cơ, kết nối đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Dao Ánh