HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (xã Thanh Thủy) đang là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển mô hình trồng dưa lưới của huyện. HTX đang có 3ha đất sản xuất dưa lưới, trong đó có 3.000m2 sản xuất hữu cơ theo mô hình công nghệ cao từ đầu năm 2017.
HTX cũng đã xây dựng thành công hệ thống 10 nhà kính và tiến hành trồng dưa lưới trong 6 nhà (diện tích 500 m2/nhà). Với công nghệ hiện đại, dưa lưới của HTX có sản lượng vượt trội, có thể đạt 5 tấn quả/1.000m2. Đặc biệt, khi dưa lưới trồng trong nhà kính, độ an toàn được kiểm soát chặt chẽ.
Bà Dương Thị Vinh - Giám đốc HTX, cho biết toàn bộ quy trình tưới của HTX được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm nước và cung cấp độ ẩm đều hơn.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX phải áp dụng quy trình chuẩn khép kín, đảm bảo tuyệt đối các quy tắc về an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, HTX không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại, mà chỉ sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh nên sản phẩm bảo đảm sạch.
“Sản xuất an toàn không chỉ giúp sản phẩm của HTX tăng sức cạnh tranh, gia tăng lợi ích về kinh tế mà còn góp phần nâng cao các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, đảm bảo ATLĐ cho thành viên, người sản xuất, đồng thời giảm thiểu các yếu tố gây hại đến môi trường”, bà Vinh nhấn mạnh.
Mô hình trồng dưa lưới đang có tiềm năng lớn tại Lệ Thủy |
Bên cạnh các HTX, nhiều mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao gắn với ATLĐ cũng đang cho thấy hiệu quả cao trên địa bàn huyện. Điển hình như mô hình của anh Ngô Trí Quang và chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung ở xã Ngư Thủy Bắc, với diện tích nhà màng hơn 2.000m2.
Anh Ngô Trí Quang cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng giúp dưa cách ly với côn trùng gây bệnh, tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng, mang lại năng suất cao hơn so với bên ngoài, chất lượng bảo đảm. Với hơn 4.500 gốc dưa, 2 vụ vừa qua, tôi thu về 200 triệu đồng/vụ”.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng dưa lưới theo chuẩn VietGAP giúp giảm công lao động, ATLĐ được nâng cao bởi các yếu tố gây hại cho sức khỏe như phân bón, thuốc trừ sâu được loại bỏ.
Đánh giá về hoạt động của các HTX và mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy, cho biết: “Sản xuất dưa lưới công nghệ cao đang mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho người dân địa phương. Phương thức sản xuất khoa học vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo tốt các vấn đề về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình trồng dưa lưới an toàn, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó có hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX, mô hình điểm nhằm tạo sức lan tỏa, mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Nhật Minh