Nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp hàng hóa an toàn… đang là hướng đi mang lại những giá trị và hiệu quả về kinh tế, môi trường đồng thời làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân.
Phát huy lợi thế
Theo Phòng NN&PTNT huyện, Đơn Dương đang tập trung phát triển diện tích rau, hoa theo hướng CNC với 4.900 ha, trong đó, diện tích nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt là 518 ha.
Hiện, sản xuất theo hướng CNC tại Đơn Dương ngày càng đi vào chiều sâu nhờ các HTX, Tổ hợp tác đẩy mạnh đầu tư công nghệ đồng bộ nhằm cho ra những sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, hay rau - hoa Đà Lạt. Tiên phong trong sản xuất nông nghiệp CNC tại Đơn Dương là HTX Rau sạch VietGAP Lạc Lâm.
Trước đây, các hộ thành viên trồng rau không hiệu quả. Rau hay bị nhiễm bệnh do bón trực tiếp phân gia súc, gia cầm. Việc làm đất, bón phân không đúng quy trình khoa học cũng là nguyên nhân khiến rau có năng suất và chất lượng thấp.
Trước tình trạng trên, ngay sau khi thay đổi hướng sản xuất theo quy trình VietGAP trên 30 ha, các thành viên đã đầu tư vốn lắp đặt hệ thống nhà kính, hệ thống tưới tự động, phần nềm tự động kiểm tra độ ẩm, nhật kí đồng ruộng thông qua máy vi tính để nâng cao giá trị sản xuất.
Điều thuận lợi của HTX là các thành viên đều có diện tích sản xuất lớn và quyết tâm đầu tư theo hướng CNC nên có thể sản xuất đồng bộ. HTX chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên với giá cam kết.
Trước khi gieo trồng, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác như: doanh nghiệp, cơ quan, trường học nên không bị tư thương ép giá. Năng suất rau đã tăng trên 30%. Giá trị sản xuất bình quân mỗi năm của HTX đạt 500 - 600 triệu đồng/ha.
Sản xuất nông nghiệp CNC là xu hướng tất yếu đối với những địa phương có truyền thống sản xuất rau màu như huyện Đơn Dương. Nông nghiệp CNC không chỉ giúp người dân chủ động trong sản xuất mà còn tránh được tình trạng lệ thuộc vào thương lái.
Đơn Dương là huyện dẫn đầu của tỉnh Lâm Đồng trong sản xuất nông nghiệp CNC |
Sản xuất sạch, bền vững
Chính vì vậy, nhiều HTX sản xuất CNC tại Đơn Dương đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả.
Thành lập năm 2016, HTX Thiện Thanh (xã Đạ Ròn) sản xuất 52 ha rau VietGAP, trong đó, HTX ưu tiên xây dựng nhà kính, nhà lưới, sử dụng màng phủ ni lông ngoài trời, bón phân qua hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt, phun mưa…
Sau khi đạt tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích 52 ha và được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”, những năm gần đây, HTX đã hướng dẫn thành viên tuân thủ các bước sản xuất rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không dùng hóa chất.
HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với công ty VinEco. Đến kỳ thu hoạch, rau được sơ chế, đóng gói ngay tại vườn. Sau đó sẽ có xe đến thu gom, chở đi trạm thu mua của VinEco tại huyện Đức Trọng để phân phối đến hệ thống siêu thị trong cả nước.
Bên cạnh sản xuất, HTX cũng phổ biến để thành viên và người dân hiểu được uy tín và trách nhiệm của người sản xuất là chìa khóa giữ vững thị trường và bảo vệ môi trường. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy người dân đã nắm bắt và nhìn nhận được những điểm ưu việt của CNC so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đây cũng chính là cơ hội để người dân có thể thay đổi tập quán canh tác chộp giật, chỉ chú trọng số lượng chứ không quan tâm tới chất lượng như trước đây.
Đơn Dương là huyện đi đầu tỉnh Lâm Đồng về sản xuất nông nghiệp CNC. Từ một huyện nghèo của tỉnh, đến nay, nhiều mô hình sản xuất của huyện đã trở thành điểm tham quan du lịch, nơi học hỏi kinh nghiệm của nhiều người dân và tổ chức trên cả nước.
Huyền Trang