HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang đang phát triển các sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, mướp đắng, cà chua, nấm, trong đó, dưa lưới là sản phẩm chủ lực của HTX. Các sản phẩm của HTX sản xuất được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc. Nhiều đơn vị đến tận nơi đặt hàng với HTX nhưng nhiều khi HTX phải từ chối vì không đủ nguồn nông sản sạch.
Thấu hiểu mối lo âu của người tiêu dùng về rau quả không bảo đảm chất lượng trôi nổi trên thị trường, đồng thời nhận biết nhu cầu ngày càng gia tăng về chất lượng và an toàn thực phẩm, thông qua việc áp dụng những công nghệ hàng đầu thế giới, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, an toàn tuyệt đối với độ tin cậy cao.
Đưa nhà màng vào canh tác
Mới đi vào hoạt động từ năm 2017, nhưng với những gì đã và đang đạt được, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Thanh Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) đã trở thành điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có được kết quả trên là nhờ vào việc HTX đã không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học kĩ thuật (KH-KT) vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng công nghệ cao (CNC).
Chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhưng với sự quyết tâm phát triển nông nghiệp trên vùng đất bạc màu, các thành viên HTX đã vừa sản xuất, vừa đúc rút kinh nghiệm.
Mô hình dưa lưới trong nhà màng màng đã nâng cao năng suất cho HTX |
Điều thuận lợi là hầu hết thành viên HTX cũng đều là thành viên của Hội Phụ nữ nên có điều kiện tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; các biện pháp nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng trên một diện tích. Từ những kiến thức đó, các thành viên HTX đã cùng nhau trao đổi, phân tích, áp dụng từng bước vào trong sản xuất.
Hiện, HTX đang ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel, điều tiết phân bón qua hệ thống tưới, nhà màng ngăn chặn côn trùng, hệ thống cảm ứng nhiệt độ và phun sương tự động trong nhà màng.
Các thành viên trong HTX còn kiêm nhiệm vụ hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống ống tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cây.
Nhờ đó, từ vùng đất bạc màu, giá trị kinh tế thấp do người dân tự mày mò trồng chăm sóc, đến nay, HTX có 6 nhà màng trên diện tích 3.000 m2 sản xuất theo mô hình nông nghiệp CNC.
Các thành viên HTX đang chăm sóc dưa lưới |
Chủ động sản xuất nhờ áp dụng công nghệ
Chỉ tính riêng sản phẩm dưa lưới trong 1 nhà màng đã mang về trung bình 1 tấn quả. Với giá bán ra dao động 45.000 - 55.000 đồng/kg, một nhà màng đã mang về doanh thu trên 270 triệu đồng, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho HTX.
Ngoài trồng rau màu, HTX còn mở rộng sản xuất sang trồng dừa lùn, sim, nuôi lợn rừng và gà thả vườn.
Việc mở rộng đối tượng sản xuất không chỉ giúp HTX khắc phục được sự thất thường của thị trường, mà còn giúp HTX tận dụng được nguồn phân hữu cơ dồi dào từ quá trình chăn nuôi vào trồng cây rau màu và cây ăn quả, từ đó giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, khí hậu tại Quảng Bình thất thường khiến cho việc sản xuất, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, người dân phát triển sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất, sản lượng không cao. Đi cùng với đó là bài toán ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết.
Mô hình sản xuất nông nghiệp CNC của HTX đã giúp các thành viên và người dân chủ động trong sản xuất, không phụ thuộc vào khí hậu. Mô hình CNC theo hình thức tuần hoàn của HTX đã tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong quá trình sản xuất, sơ chế không gây ô nhiễm môi trường mà lại góp phần cải tạo đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng.
Nhờ liên kết sản xuất nông nghiệp CNC, đời sống các thành viên HTX không ngừng được nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân của mỗi hộ thành viên đạt 200 - 500 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ôtô và các phương tiện làm nông nghiệp.
Huyền Trang