Hành tím Vĩnh Châu đang được chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị |
Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tạo điều kiện cho một số dịch hại phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất dẫn đến tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị củ hành tím cũng như chất lượng môi trường
Ưu tiên phương pháp thủ công
Xuất phát từ thực tế nêu trên, ngành nông nghiệp thị xã Vĩnh Châu đã kết hợp cùng các địa phương thực hiện mô hình sản xuất hành tím theo chuỗi giá trị. Trong đó, tổ hợp tác (THT) Lúa - màu Cà Lăng B được chọn là một trong những mô hình điểm để nhân rộng.
Để giúp nông dân thực hiện sản xuất hiệu quả, THT thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức các buổi tập huấn đầu bờ hướng dẫn bà con canh tác theo quy trình VietGAP. Các loại sâu hại ở hành tím như sâu ăn tạp, ruồi hành và đặc biệt là sâu xanh da láng là đối tượng rất khó phòng trừ. Để phòng trừ đạt hiệu quả, THT hướng dẫn người dân phương pháp ngắt ổ trứng ngay tại ruộng. Song song với đó là sử dụng đèn bẫy bả sâu rầy hại hành.
Bẫy đèn là một dụng cụ khá đơn giản, gồm một nón chụp bằng kim loại ở bên trên để che mưa cho bóng đèn, một thau nước bên dưới để hứng sâu và một bóng đèn điện. Khi sử dụng, người dân đặt cố định bẫy đèn lên các trụ bê tông hoặc các phiến đá sao cho đèn lúc nào cũng ở vị trí cao hơn mặt ruộng. Sau đó, thắp sáng bóng đèn vào ban đêm. Bướm, rầy hại hành do tập tính bị thu hút bởi ánh sáng vào ban đêm nên sẽ bay vào đèn và rơi xuống thau nước bên dưới.
Mỗi sào hành, THT đặt tầm 4- 5 bẫy đèn. Bình quân mỗi đêm một bẫy đèn có thể tiêu diệt được gần 2000 con rầy, bướm cái đẻ trứng gây hại cho cây hành. Cách làm này tuy mất công sức nhưng mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường và tạo ra được củ hành bảo đảm chất lượng toàn.
Hạn chế phân, thuốc hóa học
Áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, buộc thành viên phải tuân thủ quy tắc giảm phân, thuốc hóa học thay vào đó là sử dụng phân, thuốc hữu cơ hoặc sinh học. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải có nguồn gốc, được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới phải sạch, thời gian thu hoạch hành phải được cách ly theo đúng quy định, kèm theo đó thiết bị dụng cụ thu hoạch phải vệ sinh sạch sẽ cũng như quá trình vận chuyển hành không vận chuyển chung với các loại hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm.
Người dân đang được hỗ trợ tiêu thụ hành (Ảnh: TL) |
Chị Thạch Thị Heng, thành viên THT, cho biết trồng hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP cho củ hành màu sáng, đẹp hơn so với sử dụng phân hóa học rất nhiều. Vụ hành tím năm nay, gia đình chị sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ để giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Tính trung bình 2.000m2 hành tím, gia đình chị thu được hơn 4 tấn củ và bán với giá 17.000-18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi gần 40 triệu đồng.
Sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, THT trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân khi tích cực liên kết với các doanh nghiệp. Thành công này chính là động lực để sản phẩm hành tím Vĩnh Châu vươn xa hơn trên thị trường và cũng là nền tảng giúp người dân yên tâm tăng diện tích sản xuất.
Trên thực tế, áp dụng quy trình canh tác sản xuất theo VietGAP đã giúp bà con giảm chi phí đầu tư sản xuất 20%, hành tím cho năng suất cao hơn khoảng 20%, giảm công lao động 40% trên cùng diện tích đất. Người trồng hành hạn chế hơn 90% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc vi sinh nhưng hành vẫn đạt năng suất cao và ít sâu hại tấn công, giá bán khá nên người dân phấn khởi.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, việc sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP là xu thế tất yếu tạo nên nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững và với cách sản xuất này ngăn ngừa, hạn chế các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học, ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm, môi trường, sức khỏe. Qua đó tạo điều kiện cho THT lúa - màu Cà Lăng B nâng cao chất lượng sản phẩm hành tím, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Như Yến