Thời gian qua, việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định đã mang lại những kết quả tích cực.
Hơn 12.600 hộ dân thoát nghèo
Từng cấp, từng ngành và từng địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thực hiện thành công phong trào thi đua.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng bằng khen cho đại diện tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. |
Đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội.
Từ đó, có hơn 26.790 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5 - 2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Thời gian qua, hưởng ứng phong trào thi đua, các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Theo Sở NN&PTNT Bình Định, nếu trước năm 2001, tỉnh này có 288 HTX, trong đó chỉ có 8 HTX hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm 2021, tất cả HTX trên địa bàn tỉnh này đều chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX. Lúc này, số lượng HTX ở Bình Định giảm còn 250, trong đó có 188 HTX Nông nghiệp, trong số này đã có đến 95 HTX hoạt động hiệu quả.
Đến năm 2022, số HTX Nông nghiệp ở Bình Định vẫn duy trì tương đương số lượng cũ với con số 187; trong đó, có 72 HTX hoạt động lĩnh vực trồng trọt, 8 HTX chăn nuôi, 4 HTX thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp, số còn lại là các HTX hoạt động dịch vụ thương mại tổng hợp. Đặc biệt, hiện Bình Định đã có 19 HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 15 HTX nông nghiệp có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên và 57 HTX Nông nghiệp thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho thành viên.
Mô hình HTX tiên phong
Ngành nông nghiệp Bình Định khẳng định vai trò chủ đạo của các HTX nông nghiệp trong phát triển kinh tế tập thể ở khu vực nông thôn, là mắt xích quan trọng thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, ngành nông nghiệp Bình Định phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy thành lập các HTX mới, hỗ trợ các HTX đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ để hoạt động. Hiện nay, các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Bình Định hầu hết là các HTX chuyên lĩnh vực trồng trọt.
![]() |
Nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã đi tiên phong trong phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Bình Định. |
HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời đầu tiên ở Bình Định là HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong (huyện Hoài Ân) được thành lập từ giữa tháng 8/2020. Thời gian đầu, HTX này chỉ có 1.000m2 nhà màng trồng dưa lưới quanh năm, đến cuối năm thì trồng hoa lay ơn bán Tết đạt hiệu quả rất cao. Mới đây, HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong tiếp tục dựng thêm 3 nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1.000m2 để sản xuất dưa lưới đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường. Sản phẩm của HTX nông nghiệp công nghệ cao La’sfarm Ân Phong được người tiêu dùng rất tin dùng, có nhiều đối tác khách hàng ở TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, các HTX nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng vượt trội, giá bán cao hơn 10-25% so với sản phẩm cùng loại sản xuất theo phương thức truyền thống, lợi nhuận tăng 1,5 lần.
Song song với phát triển nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên địa bàn Bình Định còn xuất hiện những HTX Nông nghiệp chuyên bao tiêu nông sản cho nông dân. Ví như HTX Thanh Niên Hoài Ân ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) ra đời vào giữa tháng 10/2020 với 10 thành viên có vốn điều lệ 300 triệu đồng. Điểm đặc biệt là tất cả các thành viên HTX đều là những thanh niên có mô hình sản xuất, những người rất tâm huyết với nông nghiệp ở địa phương. Từ khi thành lập, năm nào HTX Thanh Niên Hoài Ân cũng bao tiêu hàng chục tấn nông sản của nông dân trên địa bàn, chủ yếu là bưởi da xanh, đưa đi tiêu thụ khắp các chợ trái cây trên địa bàn tỉnh và các đối tác tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo anh Thái Thành Việt, thành viên của HTX Thanh Niên Hoài Ân, nhiệm vụ chính của HTX là bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, trong đó có 4 sản phẩm chủ lực là: Bưởi da xanh, dừa xiêm, gà thả đồi, trà Gò Loi. Ngoài ra, HTX còn xây dựng một số vườn bưởi da xanh tại địa phương theo tiêu chuẩn VietGap, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân canh tác cùng 1 phương thức nhằm cho ra sản phẩm cùng chất lượng, đồng thời xây dựng chuỗi cửa hàng bày bán sản phẩm nông sản của Hoài Ân tại 1 số địa phương trên địa bàn Bình Định. Ngoài ra HTX còn phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân xây dựng các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông sản.
‘Trao cần câu’ để hộ nghèo thoát nghèo
Một câu chuyện khác cũng không thể không nhắc tới trong xóa đói giảm nghèo, từ mô hình tổ liên kết sản xuất nước mắm do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ, bà Mai Thị Hương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) đã mở rộng quy mô sản xuất, thành lập HTX sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 15 lao động thời vụ với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Từ đó, vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX đang có ý nghĩa đặc biệt trong công tác giảm nghèo ở Bình Định, đúng với phương châm mà địa phương này đặt ra. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, ngoài trao “cần câu”, để hộ nghèo thoát nghèo bền vững nhất định phải hướng dẫn bà con “làm mồi câu”, “cách câu cá”, chứ không chung chung như trước nữa.
“Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025”, tôi đề nghị cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải vào cuộc với tinh thần “tất cả vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kêu gọi.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh, năm 2024, Bình Định phấn đấu giảm 8.797 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2%.
Để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của năm 2024, các địa phương phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo hết sức cụ thể, chi tiết đến từng cấp xã, cấp huyện; phải xác định rõ thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên của hộ theo 8 nguyên nhân nghèo. Từ đó có các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của hộ để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh hiện có 1.202 hộ nghèo vì không có đất sản xuất; 3.558 hộ nghèo vì không có vốn sản xuất, kinh doanh; 6.100 hộ nghèo vì không có lao động; 3.204 hộ nghèo vì không có công cụ, phương tiện sản xuất; 1.763 hộ nghèo không có kiến thức về sản xuất; 2.176 hộ nghèo không có kỹ năng lao động, sản xuất; 8.133 hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn…
Theo thống kê này, thời gian tới, các sở, ban, ngành sẽ chủ động, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố cùng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững cho từng hộ nghèo.
Minh Tâm