Trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm thì công ty CP Minh Phú - Tập đoàn thủy sản Minh Phú là DN xuất khẩu tôm Việt Nam duy nhất được áp dụng mức thuế chống bán phá giá dài hạn 0% vào thị trường Mỹ và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn chương trình SIMP có hiệu lực từ năm 2019.
Hợp tác làm tôm sạch
Điều đó một phần lớn đến từ việc DN này có 50.000 ha vùng nuôi sinh thái liên kết ở Cà Mau. Họ còn có công nghệ nuôi tôm 2-3-4 siêu thâm canh, nâng sản lượng và giảm giá thành sản xuất. Cụ thể là nâng năng suất lên 50 tấn/ ha/vụ (gấp 10 lần so với công nghệ cũ), nâng tỷ lệ tôm đạt lên 95% (Ấn Độ, Indonesia chỉ đạt 50%) và tỷ lệ lãi trên doanh thu 30 - 50%.
Với các nông dân, HTX tham gia vào vùng nuôi sinh thái liên kết cũng đã nuôi theo công nghệ tương tự và thu được tỷ lệ thành công đến 95%. Nhờ giá thành sản xuất thấp hơn mà DN có thể chủ động điều chỉnh giảm giá mua nguyên liệu mà vẫn khuyến khích nông dân hợp tác sản xuất.
Công nghệ này trong năm 2019 được áp dụng trên 558 ao, gấp 3 lần số lượng ao được áp dụng năm 2018, tiến tới hết năm 2020 thực hiện trên toàn bộ 1.500 ao nuôi, với tổng diện tích 900 ha.
Thời gian qua, ngành nuôi tôm của Cà Mau đã bắt đầu xây dựng các tổ nhóm, tổ hợp tác (THT), HTX, ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu, hỗ trợ các DN liên kết với vùng nuôi tôm sinh thái… Đầu ra sản phẩm tôm sinh thái được một DN cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%.
Không chỉ có Minh Phú, từ năm 2016 đến nay đã có 22 DN ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 HTX, THT với khoảng 800 hộ dân.
Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
Trong các đơn vị nuôi tôm sinh thái ở phải kể đến HTX dịch vụ, sản xuất lúa tôm Trí Lực ở huyện Thới Bình. HTX này gần đây đã liên hệ với công ty Minh Phú để sản xuất tôm hữu cơ trong vụ mùa tới (tháng 12 dương lịch) với diện tích khoảng 400 ha.
Nuôi tôm sinh thái rất phù hợp với các HTX nuôi trồng thủy sản ven biển như Cà Mau |
Liên kết theo chuỗi
Với 2 vụ nuôi luân canh tôm sú, HTX còn xen canh tôm càng xanh và cua trong vụ lúa với năng suất bình quân: Tôm càng là 250 kg/ha/năm; cua là 180 - 200 kg/ha/năm. Như vậy, sau khi trừ chi phí tổng lợi nhuận bình quân 80 - 90 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, có thể kể đến HTX Nuôi thủy sản Cái Bát ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước là một trong những điển hình phát triển mới trong liên kết sản xuất tôm sạch. Được hình thành từ việc góp vốn để hỗ trợ nhau trong sản xuất thông qua THT, đến nay HTX đã ghi được tên mình trên thị trường trong và ngoài nước với những sản phẩm đậm chất Cà Mau là con tôm.
Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát - ông Nguyễn Văn Lâm, cho biết đến nay vùng sản xuất hơn 350 ha của HTX đã được công nhận vùng nguyên liệu tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC.
Theo ông Lê Văn Sửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cần tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng tôm. Còn theo các chuyên gia, nuôi tôm sinh thái rất phù hợp với khả năng và điều kiện của các HTX nuôi trồng thủy sản ven biển như ở Cà Mau vốn có có rừng ngập mặn và đất ngập nước.
Ông Sử cho biết tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, có truyền thống nuôi tôm rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đó là tiềm năng to lớn để phát triển sản xuất tôm sinh thái. Hiện nay, việc phát triển bền vững ngành tôm của tỉnh, trong đó, có tôm rừng đang là chiến lược của tỉnh.
Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 70.000 ha rừng ngập mặn, trong đó có 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 14.000 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái trung bình 300 - 350 kg/ha/năm, giá bán cao hơn 15 - 20% so các loại tôm nuôi khác.
Và việc liên kết giữa DN với các HTX để nuôi tôm sinh thái được kỳ vọng sẽ nâng cao vị thế tôm Cà Mau, cũng như tôm Việt Nam, từng bước tạo dựng thương hiệu tôm sạch, vươn xa thị trường thế giới trong thời gian tới.
Thanh Loan