Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện, những năm gần đây, huyện Tiền Hải đã hình thành và phát triển các vùng, xã trọng điểm chăn nuôi. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều trang trại, HTX sản xuất, chăn nuôi tập trung cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, chủ trang trại.
Sản xuất tiên tiến
Xuất phát từ cái nôi của cây lúa, một số HTX nông nghiệp của huyện Tiền Hải đã xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm bằng cách liên kết với công ty như: HTX Đông Quý, Nam Thắng, An Ninh với mô hình cấy lúa cho công ty giống Thái Bình; HTX Tây Phong, Nam Chính, Nam Hà, Đông Xuyên với mô hình cấy lúa Nhật cho công ty An Đình… Một số HTX cũng tiến hành trồng rau cho các công ty chế biến phục vụ xuất khẩu như HTX Vân Trường, Đông Xuyên…
Nhiều mô hình sản xuất an toàn phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường |
Để có được kết quả trên, các HTX đều chú trọng dồn điền đổi thửa, sản xuất theo cánh đồng lớn và đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Việc sử dụng các loại máy như máy cấy, máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy làm luống, thu hoạch, vận chuyển bằng máy… giúp người dân giảm chi phí,sức lao động. HTX cũng đáp ứng được lịch thời vụ.
Đẩy mạnh cơ giới hóa giúp các biện pháp “3 giảm , 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; IPM” phát huy được hiệu quả. Sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được chất lượng cho các doanh nghiệp đi đôi với môi trường được bảo vệ, hệ sinh thái được bảo đảm.
Không chỉ các HTX, hiện nay, nhiều hộ gia đình tại Tiền Hải đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển bền vững, hạn chế rủi ro. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của anh Bùi Văn Vinh (xã Đồng Hoàng). Anh đã mạnh dạn bỏ tiền mua lại mảnh đất bỏ hoang tại địa phương để đầu tư trồng rau thủy canh. Đi theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, diện tích rau 1000 m2 của anh cho hiệu quả kinh tế gấp 4 lần. Đặc biệt sản phẩm luôn an toàn, môi trường thêm trong lành vì hầu như chỉ sử dụng các loại phân, thuốc hữ cơ.
Hay tại xã Đông Cơ, mô hình chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả sang trồng rau màu cũng được xã quan tâm. Trong đó, HTX Nông nghiệp xã Đông Cơ là đơn vị đi đầu hướng dẫn, hỗ trợ người dân kỹ thuật, giống, đầu ra. Tất cả các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tuân theo quy trình an toàn. Mô hình sản xuất này đã giúp môi trường nông nghiệp xã Đông Cơ được cải thiện. Tình trạng người dân phun thuốc kích thích, trừ sâu cho rau bất chấp ngày tháng giờ đã không còn.
Chăn nuôi tập trung
Còn trong lĩnh vực chăn nuôi, một số mô hình duy trì sản xuất, hạn chế được khó khăn nhờ chú trọng bảo vệ môi trường. Tiêu biểu là HTX chăn nuôi xã Đông Xuyên. Nhờ chăn nuôi theo chuỗi liên kết, chú trọng các tiêu chuẩn sạch nên các sản phẩm như gà, ếch, ốc của HTX đều bảo đảm an toàn, hạn chế chất thải.
Chăn nuôi khép kín mang lại hiệu quả môi trường |
Hay trang trại nuôi lợn tập trung của anh Phạm Đức Huy, tại xã Vũ Lăng đang nuôi trên 2.500 lợn thịt. Trang trại được đầu tư xây dựng với 5 dãy chuồng lạnh có quy mô khép kín, xử lý môi trường chăn nuôi bằng máy tách lọc phân, đóng bao xuất bán cho các nhà vườn tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên. Nước thải được đưa vào 3 ao sinh học để lắng đọng, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo UBND huyện Tiền Hải, trước đây, việc phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế nhưng đi kèm với hậu quả môi trường và chất lượng nông sản không đảm bảo làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Để giải quyết bài toán này, thời gian qua,Tiền Hải đã khuyến khích , tạo điều kiện cho người dân, HTX,doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín,ứng dụng công nghệ vào bảo vệ môi trường. Hầu hết các trang trại sản xuất, chăn nuôi của các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp đều tuân thủ quy trình sản xuất, chăn nuôi tập trung để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Huyền Trang