Sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất của người dân đang giúp lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn xã Khánh Thành ngày càng khởi sắc. Ngay cả những bờ giậu giờ cũng là nơi "hái ra tiền" nhờ các loại cây leo như mướp đắng, mướp ngọt, gấc, hoa thiên lý…, vừa tăng thu nhập, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Đổi mới cây trồng
Năm 2016, sau nhiều năm gắn bó với các loại cây trồng truyền thống cho giá trị thấp, gia đình ông Hoàng Văn Hà, thành viên tổ hợp tác rau sạch xóm 9, quyết định cải tạo lại toàn bộ khu vườn rộng hơn 6 sào để phát triển trồng trọt theo hướng an toàn sinh thái.
Vườn mẫu cho giá trị kép về kinh tế, môi trường (Ảnh TL). |
Với 6 sào đất, ông Hà quy hoạch 4 sào để trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, 1 sào tiến hành đào ao để thả cá, còn lại được quây hàng rào để trồng các loại rau xanh.
Theo ông Hà, để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh, gia đình ông chú trọng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng, ưu tiên phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục.
Các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được ông Hà tuyển chọn theo danh mục cho phép, ưu tiên các loại thuốc trừ sâu sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các loại cỏ dại được cắt thủ công bằng tay hoặc sử dụng máy.
“Nhờ sản xuất khoa học, trung bình một cây ổi nhà tôi cho thu nhập 1 - 1,5 triệu đồng/năm, tùy vào giá cả thị trường. Như vậy, với 130 gốc ổi, gia đình sẽ có khoản thu nhập 130- 180 triệu đồng/năm, cùng các khoản thu từ ao cá và rau màu trong vườn”, ông Hoàng Văn Hà tiết lộ.
Theo đại diện UBND xã Khánh Thành, mô hình trồng ổi VietGAP là một trong số nhiều mô hình nông nghiệp sạch được Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình, xã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các giống cây trồng mới, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Vận động người dân cải tạo vườn một cách khoa học với hệ thống bơm tưới nước tự động, hàng rào cây xanh, quy hoạch các cây trồng chủ lực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Tiềm năng nhân rộng
Cùng với quá trình hoàn thiện sản xuất, xã Khánh Thành cũng đang chủ động liên kết với các HTX, tổ hợp tác, các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương.
Vườn mẫu tạo cảnh quan xanh, cần được đầu tư nhân rộng (Ảnh TL). |
Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay toàn xã có 62 vườn mẫu, chủ yếu trồng cây ăn quả, rau, củ quả các loại.
Nhờ ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên năng suất, giá trị nông sản ngày được nâng cao, đặc biệt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Theo thống kê, trung bình mỗi vườn mấu trên địa bàn xã hiện cho thu nhập từ 60 đến 300 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao vườn mẫu còn tạo diện mạo mới cho cảnh quan nông thôn của xã.
Trong thời gian tới, xã dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành kế hoạch cải tạo vườn, tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình đăng ký làm vườn mẫu.
Xã cũng sẽ nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc liên kết, dẫn dắt người dân phát triển theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học.
Với những nền tảng đang có, xã phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có thêm 20 vườn mẫu. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế làm giàu cho nông dân, từng bước xây dựng kinh tế - xã hội tại địa phương ngày một bền vững.
Nhật Minh