Gần 10 năm trở lại đây, tại hai xã Trường Thành và An Tiến thuộc huyện An Lão đã có 53 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ra đời. Tất cả những cơ sở này đều nằm ven theo QL10. Nước thải, khói bụi, tiếng ồn tại làng nghề tự phát này đang trở thành “bài toán khó” của chính quyền địa phương.
Sản xuất không nhà xưởng
Hầu hết các cơ sở điêu khắc đá tại đây đều có diện tích nhỏ, mang tính tự phát, trang thiết bị bảo hộ, giảm thiểu ô nhiễm hầu như chưa có gì. Cơ sở hạ tầng của các cơ sở đều tuềnh toàng, không có sự đầu tư. Hầu hết các công đoạn sản xuất diễn ra trực tiếp ngoài trời, hoặc có hệ thống bạt che chắn thì cũng xuống cấp và mang tính tạm bợ.
Tận dụng lợi thế nằm sát QL10, nhiều cơ sở còn lấn chiếm cả hành lang an toàn đường bộ để lấy chỗ tập kết sản phẩm. Hoạt động cưa, xẻ đá, đục đẽo liên tục thải ra một lượng bụi đá lớn, đường sá, cây cối, nhà cửa quanh các cơ sở này đều có màu bạc trắng vì bụi đá.
Chị N.T.V - một hộ dân sống ở khu vực này, cho biết: “Những ngày nắng hanh thì bụi vô cùng, do đó dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đọc báo, tôi được biết: Trong bụi phát sinh từ hoạt động chế tác đá còn phát sinh một lượng SiO2 có hại cho sức khỏe”.
“Nhà gần đường quốc lộ đã ồn, lại thêm tiếng đục đẽo, cưa xẻ suốt ngày của “làng nghề tự phát”… thực sự khó chịu mà không biết kêu ai. Vì quanh đi quẩn lại toàn hàng xóm”, chị N.T.V nói thêm.
Thông tin từ Phòng TN&MT huyện An Lão cho biết: Cuối năm 2017, qua kiểm tra, giám sát các cơ sở có hoạt động sản xuất điêu khắc đá trên địa bàn, cho thấy các biện pháp xử lý bụi, tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất cũng như việc bảo đảm hành lang gây mất an toàn giao thông đã không được quan tâm, thực hiện theo đúng quy định, gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.
Bụi đá trong quá trình điêu khắc có thể hạn chế, khắc phục được… chủ yếu là phụ thuộc vào ý thức các hộ sản xuất. |
Cần chấn chỉnh kịp thời
Để kịp thời chấn chỉnh và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường t tại các cơ sở điêu khắc đá rên địa bàn, Phòng TN&MT huyện đã đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện một số nội dung, như: Hướng dẫn các cơ sở điêu khắc đá trong quá trình hoạt động phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT); giảm thiểu tác động của bụi, tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.
Các biện pháp có thế áp dụng như: Toàn bộ khu vực sản xuất phải được dùng bạt để che kín nhiều lớp để hạn chế sự phát tán bụi, thường xuyên phun nước để giảm bụi. Chỉ thực hiện hoạt động sản xuất ngoài giới hạn hành lang an toàn đường bộ phía giáp với mặt đường, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người tham gia giao thông và không mất an ninh trật tự.
Trung tuần tháng 2 vừa qua, UBND Tp.Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo: Giao UBND huyện An Lão khẩn trương kiểm tra cụ thể, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các điểm gia công đồ đá gây bụi, ô nhiễm môi trường, yêu cầu chủ các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh môi trường, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định…
Cuối tháng 3, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã họp thống nhất và yêu cầu 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh điêu khắc chấp hành cam kết BVMT, hành lang an toàn giao thông đường bộ. 100% các hộ tham gia ký cam kết về việc BVMT, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, phát tán bụi, xả nước thải trong quá trình sản xuất, điêu khắc đá và đảm bảo khoảng cách an toàn hành lang giao thông QL10.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhiều hộ vẫn chưa làm tốt cam kết như đã ký với cơ quan chức năng.
Theo ông Bùi Văn Bút - Chủ tịch UBND xã An Tiến: Bụi đá trong quá trình điêu khắc có thể hạn chế, khắc phục được… chủ yếu là phụ thuộc vào ý thức các hộ sản xuất.
Thanh Vân