Tính đến cuối năm 2017, toàn Tp.Hải Phòng có 154 chợ lớn nhỏ, trong đó 122 chợ hạng 3 và 12 chợ tạm. Khu vực ngoại thành có 102 chợ và nội thành là 52 chợ.
Dự án chợ tổng hợp xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) do công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tiền Thảo làm chủ đầu tư, đã được UBND Tp.Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng diện tích xây dựng chợ là 15.000 m2. Quy mô dự án là chợ loại II, với 198 điểm bán hàng cố định.
Chuyện ở chợ Đại Hà
Tháng 1/2013, UBND thành phố có quyết định giao đất đợt I cho công ty. Diện tích đất được giao là 13.833,3 m2, thời hạn thuê đất 50 năm.
Sau khi có Giấy phép xây dựng, công ty đã tiến hành xây dựng khu nhà điều hành, các dãy ki-ốt và các điểm cho các hộ kinh doanh bán hàng, thi công 5.000 m2 đường xung quanh chợ và đường nội bộ, cống thoát nước, trạm điện...
Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Kiến Thụy, UBND Tp.Hải Phòng về việc bàn giao diện tích đất giai đoạn II và diện tích đất xen kẹt… nhưng vẫn chưa có hồi âm. Khi tiến hành xây dựng chợ, công ty đã san gạt và xây lấn ra vị trí đất đã được bàn giao hơn 4.300 m2 (trong đó hơn 1.600m2 là đất thuộc quy hoạch bàn giao đợt 2, còn lại là đất xen kẹt).
Thực tế diện tích đất trên nằm xen kẹt giữa dự án với đường liên xã và đất nông nghiệp của các hộ dân, mất khả năng sản xuất (có hộ chỉ còn 3 - 4 m2 đất). Một số hộ gia đình, cá nhân đã đề nghị DN thu hồi diện tích đất còn lại. DN cũng đã tự thỏa thuận, bồi thường với các hộ dân.
Xử lý về sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chính quyền địa phương, sở ngành có liên quan đã xử phạt DN tổng số tiền lên tới 295 triệu đồng. Số tiền phạt đã được đơn vị nộp phạt đầy đủ và ngừng thi công tất cả các hạng mục công trình vi phạm.
Ông Vũ Đức Tiền - Giám đốc công ty TNHH Tiền Thảo, ngán ngẩm cho biết: “Tổng kinh phí DN bỏ ra đầu tư chợ đến nay khoảng hơn 20 tỷ đồng. Chợ hiện có 156 hộ kinh doanh cố định và gần 50 người kinh doanh không cố định. DN thực sự đã mệt mỏi, kiệt quệ vì dự án triển khai lay lắt, thiếu mặt bằng thực hiện. Chúng tôi mong UBND thành phố tạo điều kiện, sớm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị”.
Được biết, sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế vào cuối tháng 12/2017, Sở Xây dựng, UBND huyện Kiến Thụy, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT đã có văn bản báo cáo UBND thành phố xem xét để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đầu tư chợ Bách Phương dẫn chủ đầu tư đến bờ vực phá sản
Chợ Bách Phương, chợ Tân Tiến và...
Không may mắn như chợ Đại Hà khi vẫn còn có tiểu thương vào hoạt động, chợ Bách Phương (An Lão) sau khi xây dựng hoàn tất (khoảng tháng 8/2013) đến nay vẫn không thu hút được tiểu thương vào họp chợ. Lý do của việc này một phần do yêu cầu cấp bách phải đưa chợ vào hoạt động để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chủ đầu tư xây dựng chợ đã xây dựng ngay một số công trình nhưng chưa thực hiện quy hoạch tổng thể mặt bằng. Đến nay, chợ xây xong, dân không vào, chợ vẫn họp ở ngoài đường giao thông.
Bức bách với số vốn bỏ ra đầu tư và số tiền vẫn phải nộp thuê đất cho Nhà nước, chủ đầu tư đã tự cho một số hộ thuê lại các công trình trong chợ. Nhưng thay vì buôn bán, kinh doanh như mục đích ban đầu, các hộ đã làm quán karaoke, nhà mầm non tư thục…
Sự việc đã được các cơ quan chức năng tiến hành xử lý vào tháng 9/2017. Tuy nhiên từ đó đến nay, dân vẫn không vào họp chợ. Hiện nhà mầm non tư thục đang được cơ quan chức năng yêu cầu khẩn trương di chuyển ra vị trí khác.
Ông Vũ Văn Chính - chủ đầu tư chợ Bách Phương, bức xúc nói: “Tôi trả lại chợ cho xã, xã muốn làm gì thì làm, tôi cũng sắp vỡ nợ rồi… Chúng tôi xây dựng xong, dân không vào họp chợ vì vào bị mất phí. Còn việc giải quyết, xóa bỏ chợ tạm họp hai bên đường là việc của chính quyền địa phương. Ở đây không khác gì đem con bỏ chợ…”.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm câu chuyện dài về đầu tư, xây dựng chợ cho kịp… tiến độ nông nông thôn mới. Mỗi chợ là một câu chuyện (chợ Tân Tiến (huyện An Dương), chợ Mét (huyện Vĩnh Bảo)… không chợ nào giống chợ nào… Chỉ có một điểm giống nhau: Chủ đầu tư đều mệt mỏi, chán nản, không tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn.
Thiết nghĩ, để chủ đầu tư các chợ không rơi vào cơn “bĩ cực”, kiệt quệ, phá sản, chính quyền các cấp cần sớm ban hành chính sách rõ ràng về ưu đãi đầu tư xây dựng chợ, cương quyết thực hiện đúng việc quy hoạch chợ để đưa các tiểu thương vào họp chợ đúng nơi quy định.
Thanh Vân