Cùng với sự hỗ trợ thiết thực từ địa phương, các mô hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã chủ động tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật, chú trọng bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác, chăn nuôi hướng đến những giá trị bền vững.
Gia tăng hiệu quả từ chuyển đổi
Điển hình, việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp nuôi cá tại HTX Lương Điền, xã Hải Sơn đang cho hiệu quả ngoài mong đợi.
Theo tính toán, trồng sen thu hoạch 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 đến khoảng tháng 5. Bình quân mỗi ha sen cho sản lượng khoảng 2,5 tấn/vụ, doanh thu đạt 100 - 120 triệu đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng sen có thể thu lãi 85 - 90 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, chưa kể nguồn thu từ cá và bán sen giống.
Yếu tố môi trường tự nhiên đang được nông dân ở Hải Lăng chú trọng (Ảnh TL) |
Để có được thành công như hiện tại, bên cạnh nâng cao khoa học - kỹ thuật, việc bảo vệ môi trường tự nhiên được thành viên HTX đặc biệt chú trọng.
Theo đó, trong quá trình sản xuất, HTX khuyến cáo thành viên tuyệt đối không dùng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại.
Sau mỗi vụ thu hoạch, hệ thống ao của HTX được nạo vét bùn thải, xử lý vi sinh để loại trừ các loại vi sinh vật gây hại, giảm thiểu dịch bệnh cho sen và cá.
Các loại rác thải, đặc biệt là ni lông, sành, sứ khó phân hủy được HTX thu gom, phân loại để tái chế hoặc tập trung tại các bãi rác để xử lý đúng theo quy định, giảm thiểu ô nhiễm.
Tương tự, HTX Đại An Khê, xã Hải Thượng đang là một trong những đơn vị tiên phong tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc HTX Đại An Khê, cho biết: “Tham gia trồng lúa hữu cơ, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật và đặc biệt là được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định. Với mức giá thu mua cao hơn khoảng 20% so với lúa truyền thống, thành viên HTX có lợi nhuận bình quân 18-20 triệu đồng/ha/vụ”.
Không chỉ hiệu quả kinh tế, nhờ sản xuất hữu cơ, HTX Đại An Khê đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đơn cử, các loại phân bón hóa học độc hại được thành viên HTX thay bằng các loại phân bón vi sinh, có nguồn gốc tự nhiên.
Hỗ trợ liên kết sản xuất sạch
Với những kết quả khả quan đã đạt được, huyện Hải Lăng đang chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, khuyến khích nông dân sử dụng phân phân bón hữu cơ vi sinh thay thế cho phân bón vô cơ.
Các HTX có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp ở Hải Lăng (Ảnh TL) |
Đặc biệt, huyện đang chú trọng hình thành các chuỗi liên kết, phát huy vai trò của các HTX để nâng cao vị thế của người nông dân, gia tăng giá trị sản xuất.
Tiêu biểu, vào tháng 6/2019, 12 HTX tại huyện Hải Lăng đã cùng nhau thành lập Liên hiệp HTX nông sản an toàn, địa chỉ tại xã Hải Quế, để liên kết với doanh nghiệp, tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra nông sản sạch.
Chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động, mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các HTX mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 8.290,5 ha, tích tụ ruộng đất được 14,1 ha, xây dựng cánh đồng lớn 1.364 ha, diện tích tối thiểu 20 ha/cánh đồng.
Nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh, nâng giá trị của sản xuất nông nghiệp, đại diện huyện Hải Lăng cho biết huyện sẽ có thêm nhiều chính sách để nâng cao vai trò của các HTX, đẩy mạnh hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.
Nhật Minh