Sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi, tình hình chăn nuôi tại huyện Vũ Thư có bước phục hồi và phát triển. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 6.000 con trâu, bò, 114.000 con lợn, đàn gia cầm gần 1,3 triệu con.
Giá trị của chăn nuôi xanh
Những năm qua, trên địa bàn huyện Vũ Thư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò trên đêm lót sinh học, mang lại lợi ích kinh tế vượt trội cho cho các hộ dân, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chăn nuôi sinh học mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường cho người dân (Ảnh TL) |
Có thể kể đến mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản của gia đình anh Đoàn Tiến Cường, xã Vũ Hội, quy mô hàng chục con, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Anh Cường cho hay với sự hỗ trợ từ HTX dịch vụ nông nghiệp Vũ Hội, đàn bò của anh được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp bò phát triển tốt, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
“So với chăn nuôi lợn, nuôi bò nhàn hơn. Bình quân 1 bò mẹ cho 1 bê con/năm, mỗi bê con cho thu lãi hơn 10 triệu đồng. Với quy mô chăn nuôi hiện tại, tôi thu về hàng trăm triệu đồng/năm”, anh Cường phấn khởi nói.
Đặc biệt, việc nuôi bò trên đệm lót sinh học giúp khu chuồng trại chăn nuôi của anh Cường không có mùi hôi, lượng chất bẩn ngấm vào nước, khí thải bay vào không khí được giảm thiểu tối đa, qua đó môi trường sinh thái được đảm bảo.
Ngoài ra, một điển hình khác là Tổ hợp tác chăn nuôi Hợp Thành, xã Bách Thuận cũng đang rất thành công với mô hình nuôi lợn an toàn sinh học.
Nhằm bảo đảm chất lượng đàn vật nuôi, các hộ thành viên bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải lỏng đều được xử lý bằng hầm biogas, trong khi chất thải rắn được xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công tác cách ly người ra vào trang trại, vệ sinh môi trường được tổ hợp tác quản lý chặt chẽ. Đây là lý do năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại địa phương làm cho nhiều hộ chăn nuôi phá sản nhưng trang trại của các thành viên vẫn trụ vững.
Đến nay, tổ hợp tác Hợp Thành đang thu hút 17 thành viên, mỗi hộ chăn nuôi 50 - 350 con lợn. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học nên tổ hợp tác đang rất tự tin hoàn thành những kế hoạch phát triển vững mạnh trong tương lai.
Xác định các mục tiêu cụ thể
Cùng với những thành công của các mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học, huyện Vũ Thư đặt mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi đạt từ 1.500 tỷ đồng trở lên trong năm 2020.
Các mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học sẽ tiếp tục được hỗ trợ, đầu tư bài bản (Ảnh TL) |
Để đạt được mục tiêu này, UBND huyện tập trung khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn, phấn đấu tổng đàn cuối năm 2020 đạt trên 157.000 con.
Các địa phương tập trung tăng số lượng các trang trại chăn nuôi, nhất là trang trại quy mô vừa, quy mô lớn, chăn nuôi trong vùng, khu quy hoạch. Duy trì tỷ trọng chăn nuôi trâu, bò chiếm 5% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi với khoảng 11.000 con trở lên.
Huyện cũng chủ động xây dựng các trang trại vệ tinh để cùng với trang trại lõi của tỉnh hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi trâu, bò, từ đó hoàn thành mục tiêu của Đề án phát triển đàn bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019-2025 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, huyện sẽ phát triển và duy trì ổn định tổng đàn gia cầm đạt trên 1,5 triệu con, cơ cấu đàn gà chiếm khoảng 80%, đàn thủy cầm đạt 18%, gia cầm khác đạt khoảng 2%.
Hưng Nguyên