Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Rau an toàn Phước Hòa, ông Kiều Anh Dũng chia sẻ: Trải qua nhiều khó khăn, đến nay HTX đã khẳng định vị thế với các dòng sản phẩm rau, củ, quả an toàn, chất lượng vượt trội. HTX Phước Hòa là một trong những HTX rau an toàn đầu tiên trên địa bàn huyện Cần Đước được công nhận chuỗi an toàn thực phẩm.
Đảm bảo đời sống thành viên nhờ chất lượng
Nhờ sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm nâng cao, sản phẩm của HTX Rau an toàn Phước Hòa đang bao quát thị trường rất lớn, chủ yếu là các siêu thị, công ty thực phẩm uy tín.
Những năm trở lại đây, mô hình trồng rau an toàn đã và đang được các nông hộ thực hiện đạt kết quả cao. |
Để bảo đảm nhu cầu sản xuất, HTX đã đầu tư mua xe tải phục vụ vận chuyển sản phẩm đến doanh nghiệp, siêu thị và các cửa hàng đối tác, bảo đảm chất lượng rau tốt nhất, kịp thời nhất.
Không chỉ với diện tích rau thủy canh, các diện tích trồng rau an toàn ngoài trời cũng được thành viên HTX áp dụng phương thức sản xuất an toàn, với các quy tắc nghiêm ngặt về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sinh học, hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Theo chị Nguyễn Thị Kiều Nga, thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, sản xuất khoa học không chỉ giúp HTX tạo ra những dòng sản phẩm rau an toàn, có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng mà còn là điểm tựa để các thành viên HTX phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trồng rau được xem là một trong những hoạt động xóa đói, giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, sức mạnh tập thể, HTX Rau an toàn Phước Hòa không ngừng “ăn nên làm ra”, là một trong những HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Cần Đước. Hiện, lợi nhuận bình quân của thành viên đạt từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Một số thành viên sản xuất giỏi có thể thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, HTX còn rất quan tâm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động tại địa phương. Thu nhập trung bình mỗi lao động từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Qua đó, tạo niềm tin cho các thành viên khi tham gia vào HTX, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và bảo đảm an sinh xã hội.
Anh Phan Thanh Tùng, thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, chia sẻ: “Tôi gắn bó với HTX từ khi mới thành lập cho đến nay. Trước đây, gia đình tôi trồng rau theo phương thức truyền thống, nhỏ, lẻ, ít loại, giá cả không ổn định. Từ khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm nhân công, chi phí, thời gian. Đặc biệt là đầu ra cho nông sản ổn định, giá bán cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg nên tôi yên tâm gắn bó lâu dài với HTX”.
Giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường
Ông Kiều Anh Dũng thông tin: “Thời gian tới, HTX tiếp tục tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn cho thành viên mới để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động. Qua đó, giúp các thành viên yên tâm và mạnh dạn đầu tư sản xuất, cung cấp rau, củ, quả cho HTX”.
Mô hình rau an toàn đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và bảo đảm an sinh xã hội. |
Khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm trong suốt thời gian qua và được thị trường, người tiêu dùng đón nhận, HTX Rau an toàn Phước Hòa đang tập trung đẩy mạnh quảng bá để tiếp tục nâng tầm vị thế tại các thị trường đang có với mục tiêu lấn sân thêm nhiều thị trường mới và xa hơn là xuất khẩu.
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước thông tin, nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất xanh, sạch gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo, ngoài khuyến khích xây dựng các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao toàn phần, khép kín, huyện còn vận động nông dân, HTX áp dụng công nghệ từng phần vào sản xuất. Cụ thể như tưới tiết kiệm, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu, bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giúp người dân tiếp cận và hiểu được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau. Qua đó, giúp phát triển diện tích sản xuất rau và nâng cao thu nhập cho nông dân, thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện cho các hộ này vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, được dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... Từ đó, đời sống của các hộ nghèo được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.
“Để đón đầu cơ hội, bắt kịp xu hướng thị trường, các HTX sẽ phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống nhà màng hiện đại để sản xuất rau thủy canh, với hệ thống tưới ấm theo công nghệ Israel, hệ thống điện thắp sáng để trồng các loại rau trái vụ chất lượng cao, hiệu quả kinh tế vượt trội”, Chủ tịch UBND huyện cho hay.
Kim Yến