Theo số liệu mới đây của Liên minh HTX thành phố Hà Nội, khu vực các HTX ở Thủ đô hiện đang hoạt động ổn định rất ổn định, nhiều HTX đã chủ động khắc phục khó khăn, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất nông sản và rau an toàn. Toàn thành phố có 1.942 HTX, trong đó có 1.068 HTX hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm của HTX vẫn chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu dân sinh trên địa bàn thành phố, chưa đáp ứng kịp thời được yêu cầu kết nối với HTX các tỉnh, thành phố bạn nhằm đưa đặc sản, thực phẩm an toàn từ các vùng miền về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Gặp khó bởi thói quen
Có một thực tế đang tồn tại ở các đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản ở Hà Nội là hoạt động theo 2 xu hướng. Xu hướng thứ nhất là làm nhiều, sẵn sàng gian dối, miễn sao có lợi; xu hướng thứ hai là nhiều đơn vị, HTX, hộ dân có ý thức làm ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, đáng buồn là số làm ăn có trách nhiệm lại đang gặp khó khăn, bị lấn át bởi những nơi có thói quen làm ăn chụp giật.
Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, ông Lê Văn Tám - Giám đốc HTX Sông Hồng cho biết, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm khiến các đầu mối lấy hàng lớn như các nhà hàng, khách sạn, trường học đều đóng cửa đã ảnh hưởng đến đầu ra của HTX. Đó là chưa kể nhiều năm qua những HTX làm rau sạch như Sông Hồng liên tục bị áp lực rất khó cạnh tranh với xu thế làm rau "bẩn" .
![]() |
Rau an toàn cần phải đủ 45 ngày mới thu hoạch được một lứa sản phẩm |
Cũng theo ông Tám, HTX làm rau sạch thì chi phí cao và phải cần tới 45 ngày mới thu hoạch được một lứa rau trong khi ở những nơi khác thì cứ rau bị sâu là người ta phun thuốc tràn lan và chỉ 30 ngày là có thể thu hoạch.
"Như vậy, cùng với quỹ thời gian 90 ngày, chúng tôi chỉ làm được 2 lứa rau an toàn còn người ta thu hoạch hẳn 3 lứa. Họhơn hẳn về số lượng, chưa nói tới giá cả. Khi nào còn chưa dẹp được cách làm gian dối thì các hộ và các HTX sản xuất rau sạch nghiêm túc rất khó tồn tại”, ông Tám cho biết.
Hiện, truy xuất nguồn gốc là biện pháp gần như duy nhất để người tiêu dùng có thể phân biệt được rau sạch và rau "bẩn" và cũng là hình thức để các HTX làm ăn bài bản bảo vệ thương hiệu, chứng minh cho người tiêu dùng sản phẩm của mình là an toàn thì cũng đang gặp phải nhiều vướng mắc.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc HTX dịch vụ Lĩnh Nam cho biết, “HTX đã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm được 2 năm và nhận thấy phần việc này còn nhiều bất cập. Cái khó đầu tiên là trình độ bà con nông dân còn thấp, đa số là người cao tuổi, việc ghi chép rất bất tiện. Chưa kể, vất vả là thế nhưng khi đến khâu tiêu thụ, chính người nông dân phải tìm đầu ra, rau vẫn phải đem bán ngoài chợ mà không có cơ chế bao tiêu sản phẩm. Và khi mang ra chợ bán cho người dân thì có mấy ai quan tâm đến truy xuất nguồn gốc đâu".
Quyết tâm sản xuất an toàn
Trước những khó khăn hiện hữu, ông Lê Văn Tám cho biết, "khi nào còn chưa dẹp được cách làm gian dối thì các hộ và các HTX sản xuất rau sạch nghiêm túc rất khó tồn tại”.
Do vậy, để phát triển mô hình sản xuất rau an toàn thì việc kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm xu hướng làm ăn gian dối là điều cần thiết nhất hiện nay. Bên cạnh đó là phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tại chính các HTX nhằm đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng mà hàng "bẩn" không thể "lách luật". Từ đó nâng cao số lượng và chất lượng nông sản trên địa bàn Thủ đô.
![]() |
Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Ảnh: TL) |
Thực tế, trong những năm gần đây thông qua Chương trình hành động số 24 của Thành ủy và các kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX thành phố Hà Nội đã tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, góp phần làm chuyển biến nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến các tầng lớp xã hội ở Thủ đô về vai trò, vị trí, nguyên tắc và bản chất mô hình HTX cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn.
Tuy nhiên, từ những khó khăn của HTX cho thấy công tác quản lý nhà nước cần sâu sát hơn, đặc biệt là phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, ngành và từng cán bộ quản lý. Đó là yếu tố quyết định đến kết quả phát triển mô hình HTX nông sản an toàn trên địa bàn.
Song song với đó cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm phát huy tối đa hiệu quả mà hoạt động truy suất nguồn gốc mang lại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.
Minh Khuê