Đây là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp với sản phẩm làm ra bán giá cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đang “khát” rau sạch, cùng với đó là bảo vệ sức khỏe chính mình.
Kết hợp chăn nuôi với trồng trọt
Chia sẻ với báo Thời báo Kinh doanh, anh Lê Văn Tiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đại Hoàng cho biết, thấy bố mẹ trồng lúa, làm màu vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao do sản phẩm làm ra giá bán rẻ, có khi “mất trắng”, đất sản xuất nông nghiệp lại cho thuê hoặc bỏ hoang do người đi làm công ty, người đi làm ăn xa.
Vốn là một kỹ sư xây dựng đang làm bên Lào với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng nhưng anh Tiên quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy sản xuất rau trong nhà lưới giảm các tác nhân bất lợi của thời tiết, giảm sâu bệnh hại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chủ động thời vụ.
Mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá của kỹ sư Lê Văn Tiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đại Hoàng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Phạm Duy) |
Nghĩ là làm, anh Lê Văn Tiên đã lên kế hoạch tài chính, cuối năm 2016 anh xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà lưới rộng 3.000 m2, hệ thống tưới tự động, hệ thống đèn, lán trại. Ban đầu anh ưu tiên sản xuất cà chua, dưa chuột, đậu cô ve và rau ăn lá thử nghiệm để lựa chọn những loại rau phù hợp với điều kiện trồng trong nhà lưới cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Do thiếu kinh nghiệm và kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn nên thời gian đầu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao như mong đợi.
Nhưng không vì thế mà anh nản chí, anh tìm hiểu các thông tin, tài liệu, học hỏi thêm ở các nhà vườn khác và các cơ quan, đơn vị có chuyên môn. Năm 2017 anh Tiên tham gia mô hình Rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình triển khai và đã được cán bộ trung tâm giúp đỡ về kỹ thuật. Nhà lưới được gia cố lại chắc chắn, nền đất canh tác được cải tạo, đất cao ráo, tơi xốp hơn do bổ sung thêm đất nền. Sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục, chế phẩm sinh học giúp tăng hệ vi sinh vật có lợi, diệt trừ nấm bệnh gây hại cho cây trồng và bón vôi giảm chua phèn cho đất. Hệ thống tưới tiêu được thiết kế lại, đồng thời lắp đặt thêm hệ thống lưới chắn nắng để giảm nhiệt trong nhà lưới khi nắng nóng, kết hợp nuôi ong mật trợ giúp cho việc giao phấn và kiểm tra độ an toàn của môi trường nhà lưới...
Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, học hỏi từ các cơ quan nhà nước, từ báo chí và mạng xã hội, anh Tiên dần tích luỹ được kinh nghiệm và kiến thức sản xuất nông nghiệp sạch để áp dụng vào thực tế nông trại của mình. Chính vì vậy, thời gian sau, rau, củ, quả trồng trong nhà lưới đã sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Các luống rau ăn lá xanh mướt thay phiên nhau được thu hoạch, năng suất đạt trung bình 4 tạ/sào/lứa, cà chua trước đây hầu như không cho thu thì nay đạt 1 tấn đến 1,5 tấn/sào, năng suất dưa chuột từ 4 tạ tăng lên 1 tấn/sào.
Đất không phụ người
Dưới sự động viên, hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cuối năm 2017 anh Tiên chính thức thành lập HTX dịch vụ thương mại và sản xuất nông sản an toàn Đại Hoàng với 8 thành viên là người dân địa phương. Có thêm thành viên, diện tích sản xuất tăng lên, ngoài việc thuê thêm 6 lao động, anh Tiên đã chủ động thời gian, sắp xếp các loại cây trồng hợp lý, luân phiên để lúc nào cũng có sản phẩm đưa ra thị trường, đồng thời liên kết với 15 hộ thành lập tổ sản xuất rau an toàn, từ đó tạo dựng thương hiệu uy tín và chất lượng.
Anh Lê Văn Tiên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đại Hoàng thu hoạch cá rô để bán ra thị trường (Ảnh: Phạm Duy) |
Chất lượng rau sạch nâng cao, uy tín gia tăng, HTX sản xuất không đủ cung ứng thị trường, HTX tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất bằng cách thuê thêm 10.000 m2 đất bên cạnh để xây dựng thêm 3.000 m2 nhà lưới kết hợp đào ao để chăn nuôi một số đặc sản vùng quê như ốc nhồi, lươn, cá rô đồng, cua và trạch sụn Gia Viễn.
“Nếu chỉ trồng rau trong nhà kính, nhà vòm thời tiết ở miền Bắc vào mùa hè thì nóng nực oi bức, mùa đông thì khô hanh, thiếu nước. Do vậy, để tạo không khí hài hoà như ngoài thiên nhiên, tôi đã đào ao để phía dưới nuôi một số nông sản là đặc sản vùng quê và lấy hơi nước làm mát cho cây trên bờ, đồng thời lấy các sản phẩm như rau, củ, quả loại ra để nuôi thuỷ sản”, anh Tiên cho biết.
Vừa mở rộng sản xuất, chăn nuôi đa ngành, anh Tiên cũng chủ động tìm kiếm thị trường để nâng cao giá trị nông sản của HTX. Cũng được sự hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, năm 2019, anh Tiên đã chính thức trở thành thành viên tích cực của Liên hiệp HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn Ninh Bình, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ra một số địa phương khác thông qua các cửa hàng nông sản an toàn tại Thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Hiện nông sản, thực phẩm của HTX sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường. Do vậy HTX đã liên kết với một số HTX, doanh nghiệp khác để thu mua, bao tiêu nông sản nhằm đủ nguồn hàng đảm bảo an toàn cung cấp ra thị trường”, anh Tiên cho biết. Đến thời điểm này, ngoài 8 thành viên, HTX còn tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời từng bước khẳng định việc bỏ kỹ sư về làm nông nghiệp sạch để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của kỹ sư Lê Văn Tiên là bước đi táo bạo nhưng đúng đắn.
Phạm Duy