Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển mô hình rau sạch theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường |
Hoàn thiện sản xuất
Nắm bắt xu thế của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, những năm qua, hàng loạt địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư phát triển mô hình rau sạch theo hướng hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy hiệu quả cao và bền vững.
Được thành lập từ năm 2016, HTX Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) hiện có 37 thành viên, tham gia sản xuất khoảng 40 loại rau/năm, mùa nào thức ấy. Nhờ sản xuất sạch, HTX đang có 15 ha rau được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Hoàng Văn Khải, Giám đốc HTX, cho biết toàn bộ quá trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ rau tại HTX đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Các thành viên HTX áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh hại, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường.
Phong trào sản xuất rau sạch cũng đang lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Gia Lâm. Điển hình, tại xã Yên Thường, nhờ thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, xã đã có gần 42ha trồng rau được giấy chứng nhận VietGAP.
Còn tại xã Yên Viên, trên diện tích 22ha trồng rau, ngoài chủ động hạt giống rau gieo trồng để giảm chi phí sản xuất, nông dân ở đây còn áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sâu bệnh gây hại, nâng cao năng suất, đảm bảo giá trị sản xuất bình quân 250 – 300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho biết đến nay, diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đạt 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô. Trong đó, diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha.
Các mô hình rau sạch trên địa bàn Hà Nội đang chú trọng giảm thiểu rác thải nhựa, bao bì nilon |
Giảm thiểu rác thải nhựa
Dấu ấn lớn nhất trong sản xuất rau sạch trên địa bàn TP Hà Nội là sự thay đổi về tư duy sản xuất của người nông dân. Thông qua tập huấn kỹ thuật, người dân đã dần thay đổi thói quen trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau đạt từ 60% trở lên, các quy định về thời gian cách ly khi thu hoạch cũng dần được tuân thủ.
Đặc biệt, Hà Nội đang là địa phương đi đầu trong phong trào thay thế rác thải nhựa, bao bì nilon bằng các vật liệu thân thiện môi trường trong sản xuất rau sạch.
Cụ thể, ngay từ đầu năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai áp dụng mô hình trồng rau an toàn dùng màng phủ không dệt hay còn có tên gọi khác là màng phủ Passlite để thay thế màng phủ bằng nilon.
Sau 1 năm, thành phố đã triển khai thành công tại 30 mô hình sản xuất rau an toàn với khoảng 120 hộ tham gia. Kết quả thu được khả quan, vượt trội so với các hộ trong vùng không sử dụng màng phủ Passlite.
Theo chia sẻ của các hộ trồng rau, màng phủ Passlite nhẹ, dễ sử dụng, có thể quay vòng trồng được 16 - 18 lứa rau. Màng Passlite mang lại nhiều ưu điểm khi giúp che chắn các loại côn trùng đẻ trứng nở ra sâu hại. Năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với các luống rau chăm sóc theo phương pháp thông thường.
Nguyên Hưng