Mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn đang phát triển mạnh ở Can Lộc |
Thành công nhờ chuyển hướng
Sau nhiều năm vật lộn với cây lúa, năm 2017, gia đình ông Lê Sỹ Sơn (xã Thuần Thiện) quyết định chuyển hướng đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản trên diện tích 10 ha. Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, mô hình của ông Sơn liên tục phát triển ổn định, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Ông Lê Sỹ Sơn chia sẻ: “Tôi khởi đầu với thất bại ngay trong vụ đầu tiên. Sau đó, tôi hiểu ra tầm quan trọng của khoa học – kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cuối năm 2017, tôi đầu tư 1 tỷ đồng để cải môi trường, ngăn hồ, đắp bờ, kiểm soát chất lượng nước, thời tiết… Kể từ đó, mô hình đi vào ổn định, liên tục cho lãi cao”.
Tương tự, anh Thái Đăng Định (xã Tiến Lộc) cũng đang gặt hái thành công nhờ chuyển hướng đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản sạch. Hiện, gia đình anh đang triển khai 3 ha chuyên nuôi các loại cá diêu hồng, các lóc đầu nhím, trắm, chép, ếch…, đồng thời sở hữu 20 bể ươm cá giống.
Anh Định cho biết đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường trên 70 tấn cá các loại (70% là cá diêu hồng, cá lóc), 2 tấn ếch, 60 vạn con cá giống. Nhờ sản xuất đúng chuẩn VietGAP, các sản phẩm có chất lượng cao, giá bán ổn định, mỗi năm anh thu về 2,5 – 3 tỷ đồng.
Hiệu quả vượt trội về kinh tế, môi trường giúp mô hình nuôi trồng thủy sản sạch lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Can Lộc. Số liệu thống kê cho thấy toàn huyện hiện có 4 vùng sản xuất thủy sản tập trung là vùng Hói Nhà Nòi (xã Khánh Lộc) rộng 24 ha, vùng Đồng Vựng (xã Tiến Lộc) diện tích 58 ha, Đồng Sáu (thị trấn Nghèn) rộng 13,7 ha, vùng Làng Chùa (xã Thuần Thiện) hơn 9 ha.
Mô hình sẽ chú trọng phát triển theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường |
Chú trọng khai thác tiềm năng
Đánh giá về mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn, ông Phan Cao Kỳ - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, cho hay: “Điểm nhấn lớn nhất trong nuôi trồng thủy sản hiện tại là sự đổi mới về tư duy sản xuất của người dân, từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến lợi ích bền vững”.
Phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, VietGAP ngày càng được người dân trên địa bàn huyện quan tâm. Các mô hình triển khai sản xuất theo hướng an toàn, gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, sản phẩm biến đổi gen…
Trong quá trình nuôi, người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật để bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo đa dạng sinh học. Đơn cử, các hộ đang sử dụng men vi sinh để phân giải thức ăn dư thừa, chất thải giúp đáy ao sạch hơn, góp phần cải thiện môi trường.
Sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích bền vững cũng đang là hướng đi được huyện Can Lộc chú trọng trong những năm tới.
“Huyện đang áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật cải tạo, làm mới ao hồ. Những vùng sản xuất có diện tích từ 0,3 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giống, đặc biệt, các hộ nuôi cá công nghệ cao, đảm bảo tốt quy định về môi trường, an toàn thực phẩm sẽ được hỗ trợ 100%”, ông Phan Cao Kỳ nhấn mạnh.
Hạ Vi