HTX đã chủ động mở rộng số lượng đàn bò chất lượng cao |
Ðiển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc (thôn 1-Ân Phú), đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa cho thu lãi khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.
Chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Nằm trên diện tích núi đá với độ dốc cao, 28 hộ gia đình tại xã Ân Phú đã lựa chọn mô hình HTX để cùng nhau chăn nuôi bò theo quy trình khoa học.
Thông qua các chính sách kích cầu của tỉnh, huyện, xã, HTX chăn nuôi bò Ân Phú đã ra đời. Trải qua thời gian hoạt động, với những kết quả đạt được, hoạt động của HTX đã được chính quyền địa phương và các hộ dân khẳng định là mô hình phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của xã.
Ông Đoàn Đình Liệu, Giám đốc HTX chăn nuôi bò Ân Phú, cho biết các thành viên quyết định lựa chọn bò để phát triển kinh tế vì bò là vật nuôi vừa dễ chăm sóc, dễ bán lại có thể kết hợp thêm trồng cây ăn quả từ đó tạo nên lợi nhuận kép.
Việc phát triển kinh tế theo mô hình HTX còn tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau làm giàu và quan trọng nhất là khắc phục nhược điểm ít vốn của bà con.
HTX đã đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển đàn bò với số lượng hàng trăm con. Bên cạnh đó, HTX cũng liên kết với cán bộ thú y địa phương nhằm theo dõi sức khỏe đàn bò một cách tốt nhất. Nhằm chủ động nguồn thức ăn, cánh đồng cỏ có diện tích 5ha cũng được HTX quan tâm. Kỹ thuật trồng cỏ, thu hái cũng được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc nên tiết kiệm chi phí đầu tư.
Đến nay, HTX hoàn toàn không lo lắng vấn đề đầu ra vì đã có doanh nghiệp về tận nơi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài. Nhờ liên kết với doanh nghiệp, HTX cũng được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật.
Áp dụng kỹ thuật phối giống, đến nay, HTX đã chủ động mở rộng số lượng đàn bò chất lượng cao. Hiện, đàn bò của HTX là 310 con, chủ yếu là bò nái trong giai đoạn sinh sản.
Cải thiện đời sống
Hoạt động sản xuất của HTX đã giải quyết được bài toán việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, gốc lạc, phụ phẩm xay xát làm thức ăn cho bò...
Đặc biệt, khi hoạt động theo mô hình HTX, tinh thần hăng say lao động được kích thích. Tất nhiên, mọi hoạt động liên quan đến HTX đều được họp bàn, thống nhất trên tinh thần công khai, dân chủ. Việc phân chia lợi ích cũng được ghi rõ trong hợp đồng, sau khi thu hoạch, lợi nhuận sẽ được chia đều cho các thành viên.
Đi cùng với việc liên kết sản xuất, HTX đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ Ban quản lý HTX, cũng như nâng cao kiến thức kỹ thuật cho các thành viên. Các thành viên đã được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi, thú y, kiến thức tiếp cận thị trường, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ.
Ngoài phát triển đàn bò, để bảo vệ môi trường, gia tăng hiệu quả kinh tế, HTX đã sử dụng phân bò bón cho cây ăn quả. Hiện, HTX có 100 gốc cam, mang về lợi nhuận trên dưới 50 triệu đồng/vụ.
Ông Liệu cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của UBND xã, đến nay, đã có nhiều gia đình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang thực hiện chăn nuôi tổng hợp, trong đó có chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Từ đó, các hộ cùng nhau từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Trải qua nhiều khó khăn, HTX chăn nuôi bò Ân Phú hiện là đơn vị kinh tế tập thể đi đầu trong việc chuyển đổi phương pháp chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi bò chất lượng cao theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện theo hướng đi của tỉnh trong đề án xóa đói, giảm nghèo.
Như Yến