Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở Việt Nam đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành liên quan, cho thấy cần thiết phải có Luật Trồng trọt điều chỉnh.
Kỳ vọng xóa bỏ những bất cập
Thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Chính phủ đã tổ chức xây dựng dự thảo Luật Trồng trọt.
Những điểm mới được đưa ra tại dự thảo Luật là bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp (DN), Nhà nước và lợi ích cộng đồng.
Đồng thời, luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, DN và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.
Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.
Góp ý vào dự thảo Luật, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội, nhấn mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt, giảm tổn thất sau thu hoạch và khắc phục tình trạng được mùa mất giá, tăng cường xuất khẩu sản phẩm trồng trọt, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số nội dung về áp dụng các tiến bộ mới của KH&CN trong bảo quản, chế biến; xúc tiến thương mại sản phẩm trồng trọt; ưu tiên, ưu đãi trong bảo quản, chế biến sản phẩm cây trồng chính; bổ sung quy định về quản lý chất lượng đối với sản phẩm trồng trọt cho các mục đích sử dụng khác như làm dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị ban soạn thảo dự án Luật làm rõ thêm lộ trình thực hiện đối với quy định về nguyên liệu đầu vào đối với cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm trồng trọt để phù hợp với thực tiễn thu mua sản phẩm trồng trọt hiện nay.
Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT ghi nhận, các quy định tại dự thảo Luật về vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quản lý vùng trồng sẽ nhằm mục tiêu đảm bảo nền sản xuất hàng hóa lớn và nắm được tình hình để điều tiết sản xuất chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, các quy định trên vẫn chưa tổ chức để giải quyết được bài toán về cân đối cung – cầu cho nông sản Việt Nam. Muốn giải quyết được dứt điểm vấn đề này cần có những giải pháp khác để hình thành được một cách hoàn chỉnh toàn bộ chuỗi giá trị không chỉ ở khâu sản xuất mà còn cả ở khâu chế biến, khâu dịch vụ hậu cần và nhất là khâu phát triển thị trường.
"Cần phải có những chính sách và biện pháp cải tiến tổ chức đột phá để hình thành được hệ thống cung cấp thông tin thị trường. Cụ thể, phải làm tốt công tác xúc tiến thương mại và phát triển được công nghiệp chế biến nông sản", ông Sơn nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng (đoàn Kiên Giang) cho rằng muốn giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, Luật Trồng trọt phải quy định cụ thể từng loại cây trồng. Chứ như cây cao su trồng theo phong trào trên miền núi phía Bắc nhưng cho chất lượng mủ kém, không hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm, Luật phải quy định rõ điều này.
Giải pháp hay chính sách nào thì mục tiêu cuối cùng phải giúp cho nông dân có đời sống no đủ |
Cần đổi mới đồng bộ mạnh mẽ
Mặt khác, Ts. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, không thể trông cậy vào một vài bước cải tiến trong Luật Trồng trọt để có thể giải quyết mọi tồn tại và bất cập của ngành trồng trọt hiện nay.
Ông Sơn lý giải, ngành nông nghiệp muốn "lột xác" phải đổi mới đồng bộ mạnh mẽ để người sản xuất mở rộng quy mô; các đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến liên kết với nhau trong chuỗi giá trị dọc và liên kết ngang với nhau trong HTX, hiệp hội; ở tất cả các khâu đều áp dụng KHCN hiệu quả.
"Muốn vậy, cần phải tiếp tục cải thiện hệ thống luật pháp và chính sách như: quy định thế nào để quyền sử dụng đất đai được thể hiện như tài sản hàng hóa, quy định để việc sử dụng thủy lợi vận hành theo cơ chế thị trường…", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, trên thị trường tồn tại nhiều sản phẩm bẩn là do 60-70% nông dân đang sản xuất liên doanh với ngành nông nghiệp nhưng nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu tập trung vào số lượng mà quên chất lượng.
"Việt Nam phải chấp nhận tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xác định có bao nhiêu ngành có tỷ trọng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD/năm, qua đó đề ra các giải pháp đi vào trọng tâm từng vấn đề thì mới chấm dứt tình cảnh được mùa mất giá", ông Anh nói.
Với kinh nghiệm thâm niên làm nông nghiệp 18 năm, ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm liên kết DN xuất khẩu rau củ quả, cho rằng nền nông nghiệp vẫn do nông dân đảm nhiệm là chủ yếu. Nông dân là người "thấp cổ bé họng", tiểu thương bảo giá bao nhiêu phải nghe theo. Nông dân chỉ sản xuất với mục đích bán được sản phẩm và nuôi gia đình nên nhiều khi không biết, không cần quan tâm tới tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia.
"Do vậy, cách làm nông nghiệp cần phải hướng tới thay đổi giúp người nông dân nhận biết làm đúng theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia thì thu nhập sẽ tăng lên theo mức tương ứng A, B, C. Nông dân mới là người quyết định giá", ông Lãm nói.
Theo ông Lãm, dù giải pháp hay chính sách gì thì cuối cùng phải giúp cho nông dân có đời sống no đủ. Như thế, Việt Nam mới trở thành cường quốc nông nghiệp.
Lê Thúy
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Đại biểu Quốc hội đoàn Tp.HCM Dự thảo Luật Trồng trọt chưa cho thấy người nông dân được hưởng lợi gì, cũng chưa thấy rõ trách nhiệm của những tổ chức cá nhân có liên quan, các địa phương trong việc định hướng trồng cây gì. Dự thảo Luật quy định về vùng trồng rất mờ nhạt, trong khi nếu làm chặt chẽ quy định này thì mới mong giải quyết được câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều năm nay là được mùa mất giá. Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT Luật Trồng trọt cần có các giải pháp hỗ trợ tập trung và phân cấp quyết liệt để kinh tế hợp tác có sức hấp dẫn nông dân tham gia, phải đổi mới Hội Nông dân, phải phân cấp, trao quyền cho các hiệp hội ngành nghề trong việc quản lý vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận Cơ quan quản lý cần phải đặt ra chất lượng và sản lượng cho từng sản phẩm cụ thể, đáp ứng nhu cầu thế giới và trong nước ra sao. Tránh tình trạng hiện nay chỗ nào cũng có cơ chế quản lý và kiểm soát, cuối cùng sản phẩm vẫn gặp khó khăn. |